Tháo điểm nghẽn xây dựng nông thôn mới gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp

07/09/2018 - 07:34

 - An Giang bắt tay xây dựng nông thôn mới (XD NTM) với xuất phát điểm rất thấp, có đến 90% xã đạt dưới 5 tiêu chí. Khó khăn về cơ sở hạ tầng rất lớn, thu nhập bình quân đầu người khu vực NT thấp; tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng thiếu vững chắc... Thực tế đó đặt ra thử thách lớn đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong XD NTM gắn với
tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN).

Nhiều khó khăn, tồn tại

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư: là tỉnh thuần nông, thu nhập chủ yếu của người dân từ NN; kết cấu hạ tầng NT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hệ thống giao thông chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, các chủ trương, quy định của Trung ương có nhiều bất cập, thay đổi nguồn lực bố trí cho XD NTM không thỏa đáng. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu có thêm 17 xã đạt NTM, tuy nhiên theo yêu cầu của Trung ương, tỉnh phải điều chỉnh kế hoạch giai đoạn 2016-2020 thêm 48 xã với tổng vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng, trong khi nguồn lực của tỉnh chỉ có thể đáp ứng đầu tư cho khoảng 30 xã. Để tháo điểm nghẽn đó, trong điều kiện An Giang còn phải hưởng trợ cấp của Trung ương để cân đối thu chi, nhu cầu nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng rất lớn nhưng vẫn dành 1/5 nguồn lực đầu tư cho các dự án XD NTM cho thấy sự ưu tiên của tỉnh.

Theo chân đoàn giám sát XD NTM cho thấy, sau gần 7 năm thực hiện, An Giang đạt được nhiều kết quả nhất định. NN phát triển khá theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm NN được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở NT được tập trung đầu tư xd và nâng cấp... Tuy nhiên, nổi lên một số vấn đề cần quan tâm như: nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình xác định đánh giá mức độ đạt tiêu chí NTM của xã theo Bộ tiêu chí mới. Một số tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt nhưng khó giữ vững như: thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc đảm bảo chỉ tiêu 19.2 xã đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự. Một số tiêu chí, chỉ tiêu bổ sung mới: chỉ tiêu 6.2 xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định, xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các ấp; chỉ tiêu 18.6 đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; một số tiêu chí, chỉ tiêu tăng cao: tiêu chí số 11 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu 15.1 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, chỉ tiêu 17.1 tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy định... Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức thiếu chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; nhiều sở, ngành và địa phương còn nặng tâm lý dồn sức cho xd cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN, NT tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân NT. Một bộ phận người dân chưa quan tâm và nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm trong XD NTM nên cho rằng việc XD NTM là sự đầu tư của Nhà nước. Đáng lo là bệnh chạy theo thành tích hoặc "khoán trắng" công việc cho cơ quan chuyên môn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, một số địa phương có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đạt được, thiếu sự tập trung, không tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững hoặc nâng chất lượng, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí. Tỷ lệ tham gia đóng góp của người dân và nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp còn thấp. Một số xã mặc dù được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vẫn còn nợ các công trình xd như: trường học, trụ sở UBND xã, Trung tâm học tập cộng đồng… Khoảng cách chênh lệch về mức độ đạt tiêu chí giữa các xã điểm và xã ngoài điểm còn cao. tình trạng xả rác nơi công cộng, ven đường, sông và kênh mương vẫn còn khá phổ biến ở các địa phương...

Nỗ lực XD NTM

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt cho biết: xd NTM được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng được đưa vào nghị quyết của đảng ủy, chi bộ để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, huy động sức dân xd NTM. Nhiều cấp ủy đã có cách làm sáng tạo nhằm phát huy vai trò của chi bộ, đảng viên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xd NTM.

Tỉnh xác định phương châm: XD NTM thực sự vì lợi ích của Nhân dân, không chạy theo thành tích; lấy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân NT là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt. Với phương châm đó, An Giang nhanh chóng thực hiện tốt bước đi đầu tiên, đó là lập quy hoạch, đề án xd NTM. Cuối năm 2011, chỉ sau gần 1 năm bắt tay vào làm, 100% xã của tỉnh đã hoàn thành việc lập đề án, quy hoạch xd NTM được UBND cấp huyện phê duyệt và tổ chức công bố quy hoạch ra dân. Riêng đối với đề án xd NTM cấp huyện và tỉnh, tuy Trung ương không quy định nhưng tỉnh đã hoàn thành, triển khai thực hiện.

Khởi đầu xd NTM nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay An Giang đã có 39/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã NTM” (chiếm 32,77%). TP. Long Xuyên, Châu Đốc có 100% xã đạt NTM. TP. Châu Đốc được công nhận hoàn thành nhiệm vụ XD NTM. Số tiêu chí đạt bình quân của xã toàn tỉnh là 13,10 tiêu chí, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đối với 21 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016, các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật đánh giá theo bộ tiêu chí mới và đẩy mạnh duy trì nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực NT năm 2011 đạt 16,6 triệu đồng, nay tăng lên 37 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực NT từ 10,5% giảm còn 6,6%. NN, nông dân, NT có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cải thiện.

XD NTM gắn tái cơ cấu ngành NN

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh thư cho biết, tái cơ cấu NN góp phần XD NTM là chủ đề gắn kết chặt chẽ trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân NT. Những năm gần đây, An Giang tập trung tái cơ cấu ngành NN; hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể, vùng sản xuất, sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm NN trên thị trường. Xây dựng kế hoạch và triển khai tái cơ cấu các ngành hàng giai đoạn 2016-2020 và các đề án vùng chuyên canh xoài, rau màu, nếp, lúa gạo Jasmine, chuối, cá tra, tôm càng xanh; Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020… An Giang tập trung tái cơ cấu lúa, cá tra, rau màu (sản phẩm chủ lực), nấm ăn - nấm dược liệu, chăn nuôi bò, tôm càng xanh (sản phẩm tiềm năng). Giai đoạn 2008-2017, tăng trưởng NN đạt 2,29%/năm. Giá trị sản xuất NN trên 1ha năm 2017 đạt 173 triệu đồng/ha (tăng gần 90 triệu đồng/ha so với năm 2010). Đến cuối năm 2017, sản lượng lúa đạt khoảng 3,9 triệu tấn (tăng 368.000 tấn). Diện tích cây ăn trái 13.000 ha, sản lượng đạt 113.000 tấn (tăng 95.000 tấn). Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 2,7.000ha; tổng sản lượng thu hoạch 379.000 tấn (tăng 64.000 tấn). Việc triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất cá giống chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. An Giang đã xuất khẩu sản phẩm NN sang 147 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 đạt 820 triệu USD. Đã hình thành các mô hình sản xuất lớn và liên kết sản xuất - tiêu thụ, tích tụ ruộng đất, trình độ sản xuất của người dân được nâng lên, giá trị sản xuất NN tăng, diện mạo NT đổi mới. NN phát triển khá theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm NN được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Cụ thể hóa, chính sách từ Trung ương để hỗ trợ tái cơ cấu NN, An Giang đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 54 dự án đầu tư vào NN, NT với tổng số vốn đầu tư 4.745 tỷ đồng. Tỉnh vẫn ổn định được diện tích sản xuất lúa, đồng thời chuyển dần sang hướng tăng diện tích một số cây trồng có thế mạnh.

Sau hơn 7 năm XD NTM, tái cơ cấu ngành NN, diện mạo NT đã thay đổi; cầu, đường được kiên cố hóa, trường học, trạm y tế XD mới khang trang, cảnh quan môi trường thông thoáng, hoạt động vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt khẳng định, mặc dù số xã đạt chuẩn NTM và mức độ đạt tiêu chí ở nhiều xã còn thấp, nhưng việc đánh giá, công nhận xã NTM luôn đi vào thực chất, không chạy theo thành tích, đây là cơ sở vững chắc để An Giang tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành mục tiêu XD NTM.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU