Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa

01/11/2024 - 14:41

 - Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương thống nhất việc giữ nguyên mục tiêu, dự án có liên quan đến lĩnh vực văn hóa thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, về thời gian, mỗi chương trình, dự án có mục tiêu tổng thể và giai đoạn thực hiện khác nhau. Hiện, một số nội dung cũng chưa được bố trí kinh phí thực hiện. Vì vậy, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần quan tâm rà soát thêm, để tránh trùng lặp chỉ tiêu giữa các chương trình.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương đề nghị không cần thiết tích hợp, chuyển những dự án đã được xác định, đã và đang triển khai thực hiện tại các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tạo sự ổn định, thuận tiện và hiệu quả. Những kết quả mục tiêu, chỉ tiêu đạt được của dự án, tiểu dự án trong các chương trình mục tiêu quốc gia cần được kết nối, đánh giá trong quá trình triển khai, thực hiện, sẽ là kết quả tổng thể cho bức tranh chung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Về mục tiêu đến năm 2035 phấn đấu 90% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. Đại biểu đề nghị, ban soạn thảo cân nhắc lại tỷ lệ phấn đấu cho phù hợp Quyết định 2238/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề quan trọng là tập trung tổ chức thực hiện để công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đề xuất cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề, như: Nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng chưa được đưa vào chương trình, nhằm tập trung nguồn lực phát hiện, bảo tồn, phát huy di tích, di sản đang lưu hành trong dân gian.

Tại mục tiêu cụ thể đến 2030, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ thêm mục tiêu 2, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (gồm trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - thể thao, bảo tàng, thư viện). Mục tiêu 5 và 6 đặt ra yêu cầu đạt 100%, theo đại biểu cũng khó đạt do điều kiện kinh tế, địa lý của đất nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình; xây dựng nguyên tắc, cơ chế phân bổ và đối ứng linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ các địa phương còn khó khăn về ngân sách.

GIA KHÁNH