Thao thức giữa mùa nước nổi

04/11/2024 - 06:47

 - Tân Châu là địa phương đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang, nơi con sông Tiền chảy vào đất Việt. Mùa nước lên, những cánh đồng miệt này ngập sâu, cá tôm kéo nhau về nuôi sống các hộ dân làm nghề hạ bạc. Cảnh trời nước mênh mông rất đỗi nên thơ, nhưng mấy ai biết được sự bám trụ mưu sinh của bà con vùng biên luôn đầy thử thách.

Tôi đến Vĩnh Xương sau cơn mưa kéo dài từ sáng sớm tới giữa trưa. Cứ nghĩ chuyến đi về biên giới lần này không thuận lợi do thời tiết xấu, nào ngờ vừa qua cầu Tân An thì mưa ngớt hột, đi chút nữa trời tạnh hẳn. Tôi rẽ về hướng kinh Bảy Xã một đoạn, bỗng thấy cánh đồng mênh mông như biển nước hiện ra trước mắt, yên ả và trong lành như áng thơ trữ tình.

Tôi mải mê ngắm cảnh, chụp ảnh mà không biết trời đã xế chiều. Ghé một xóm nhỏ định cư dọc kinh Bảy Xã, tôi được bà con chỉ lại nhà anh Ngao, người còn gắn bó với nghề câu lưới. Tôi đi một đoạn nữa thì bắt gặp một ngôi nhà sàn cao ráo, cửa quay về phía cánh đồng. Anh Ngao đang ngồi trên hàng ba đóng chì cho mấy tay lưới, trước khi đem bủa đêm nay. Anh có chút ngạc nhiên khi tôi đến, nhưng rồi cũng nhanh chóng bắt chuyện, như đã quen biết từ lâu.

Anh nói đã theo ba làm nghề câu lưới từ lúc còn nhỏ xíu, giờ ba anh lớn tuổi nên anh “nối nghiệp”. Cũng như bao dân hạ bạc xứ này, mỗi con nước anh đều biết cách đánh bắt từng loại cá tôm theo ý muốn. Tay lưới anh đang đóng chì là để bắt cá chạch cơm, cỡ nước bêu giăng dính cá chạch nhiều, anh Ngao vừa làm vừa tâm sự. Vợ anh đang đi đón thằng con trai lớn học lớp năm. Con trai nhỏ của anh mới 4 tuổi thì ngồi cạnh ba, tập cầm phao, cầm chì ướm vào tay lưới. Dĩ nhiên, thằng bé chỉ chơi đùa chớ chưa biết làm, nhưng không lâu nữa, có thể nó sẽ theo nghề câu lưới như ba nó từng theo ông nội, ông nội từng theo ông cố…

Tôi ngồi trước hàng ba căn nhà sàn anh Ngao vừa mới cất tháng trước, nhìn ra cánh đồng biên giới đang chìm dần vào hoàng hôn. Mặt nước rực lên một màu đỏ ửng, như cả vòm trời đang tắm táp cuối ngày. Chẳng mấy chốc màng đêm đã phủ mờ hàng cây, vài xuồng câu bật đèn lên nhấp nháy. Anh Ngao cũng lục đục chuẩn bị câu lưới đem xuống xuồng. Bốn mươi bốn tuổi, anh gánh vác sinh nhai cho gia đình 4 nhân khẩu. Bàn tay anh chai sạn, chân bị nước ăn đến nỗi không còn móng nào nguyên vẹn. Vậy mà nụ cười anh lúc nào cũng thật đẹp, hiền khô.

Tôi xin theo anh Ngao một chuyến, anh vui vẻ nhận lời, chỉ tôi ngồi chỗ khô ráo trên xuồng rồi chống ra đồng. Trăng thượng tuần chiếu mặt nước lấp loáng, những cơn gió nhè nhẹ xô vài đợt sóng lăn tăn. Anh Ngao chống xuồng đến giữa đồng mà không bủa lưới vội, cứ đảo tới, đảo lui. Thỉnh thoảng, anh dừng sào đứng lặng yên nghe ngóng, quan sát con nước, hướng gió. Tôi biết anh đang tìm luồng cá nên không hỏi thêm gì, chỉ nằm ngửa trên xuồng ngắm trăng sao, tận hưởng bầu trời đêm đẹp như cổ tích. Có lẽ anh Ngao không thể cảm nhận được những vẻ đẹp này, bởi mải tập trung tìm vị trí nào phù hợp nhất để thả lưới, nếu không bữa cơm gia đình ngày mai có thể vơi đi. Anh không phải người rỗi rảnh như tôi mà thả hồn theo gió trăng, mây nước.

Khi tìm được luồng ưng ý, anh Ngao mới bắt đầu bủa lưới. Anh ngồi phía mũi xuồng, thòng một chân xuống nước, chân còn lại co lên để giữ thăng bằng. Tay phải cầm cây sào nhỏ chống xuồng, tay trái cầm lưới thả ra một cách đều đều. Tiếng chân anh khuấy trong nước nhẹ nhàng cùng với tiếng cá đớp mồi lụp bụp xung quanh tạo ra bản hòa âm thật lạ. Lâu lâu lại điểm thêm vài tiếng cò đi ăn đêm, tiếng ếch săn mồi vô cùng sinh động. Tôi hình dung được sức sống căng tràn đang hiện hữu quanh đây, chỉ cần với tay ra là nắm níu được.

Bủa xong mấy tay lưới cũng đã gần nửa đêm, trăng sắp lặn phía sau hàng cây. Lúc này, cá càng đớp mồi dữ dội, cứ như chúng đang mở hội dưới mặt nước tĩnh lặng kia. Anh Ngao nói lúc trăng chuẩn bị mọc hay sắp lặn, cá sẽ di chuyển và săn mồi nhiều nhất. Tôi hỏi vì sao anh biết, anh nói học từ ba anh, thấy đúng thiệt nhưng không thể giải thích được. Thế đấy, có những kinh nghiệm dân hạ bạc phải đúc kết từ đời này sang đời khác, cứ truyền dạy lại con cháu, không cần lý giải mà vẫn được tiếp thu, cơ bản là đúng. Anh Ngao còn kể tôi nghe nhiều “bí quyết” chỉ dân sông nước mới biết. Điển hình như đặt lọp bắt cá phải đặt xuôi, vì cá luôn lội ngược nước; nhấp ếch không được giật khi ếch mới cắn mồi vì miệng nó to, giật sớm dễ sẩy; bắt lươn phải bắt đằng đầu còn bắt rắn thì bắt đuôi, “tối trời, ngời cá”…

Khi tôi hỏi anh Ngao có muốn truyền dạy những bài học này lại cho con trai anh, để tiếp tục duy trì nghề của cha ông, anh không trả lời, chỉ lặng lẽ nhổ sào đi cuốn lưới. Tôi thấy cá dính cũng khá nhiều nhưng anh bảo không bằng năm ngoái, còn so với khoảng 20 năm trước thì chưa được một phần mười. Có lẽ đó là lý do khiến một người vốn yêu thích nghề hạ bạc như anh nhưng muốn đứa con trai lớn lên được học hành đến nơi đến chốn, rồi tìm công việc khác mà làm, như chú út của nó chẳng hạn. Chớ theo nghề này khổ lắm, lại không thể khấm khá lên nổi đâu - tiếng anh Ngao chầm chậm rớt vào đêm, nói với tôi mà như anh nói với chính mình. 

Tôi ngồi lặng yên, nghĩ về bao phận đời từng bắt gặp trên hành trình xuôi ngược. Mỗi người đều cho tôi những chiêm nghiệm nhân sinh quý giá, nhưng cũng gieo vào lòng tôi nhiều trắc ẩn. Rồi vài năm nữa, dân làm nghề hạ bạc như anh Ngao liệu có sống nổi với nghề? Câu hỏi đó tôi không trả lời được. Tôi chỉ mong sao sông nước biên thùy có thể bao dung với những đứa con đã nguyện một đời gắn bó. Ngày mai, mặt trời sẽ rực rỡ trên đồng mênh mông này.

TRƯƠNG CHÍ HÙNG