1. Đúng giờ G, trên quân cảng X, tàu Trường Sa 19 hú vang 3 hồi còi tạm biệt đất liền, nhằm hướng Trường Sa thẳng tiến. Ra khỏi cảng chưa bao lâu, sóng biển đã bắt đầu chồm lên, tràn mặt boong. Trên tàu, chỉ huy đoàn công tác cùng các nhà báo ổn định chỗ ăn chỗ nghỉ, làm quen với các vật dụng, lối đi… để đảm bảo an toàn cho một hải trình mùa biển động.
Sau gần 2 ngày đêm sóng gió, vượt qua 240 hải lý, ngày N, tàu Trường Sa 19 có mặt tại điểm đến đầu tiên - Nhà giàn DK 1/15 (cụm Phúc Nguyên). Với cánh nhà báo, không thể diễn tả được cảm xúc dâng tràn khi lần đầu tiên nhìn thấy nhà giàn. Nhà giàn DK1 là cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được xây dựng từ năm 1989 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, đồng thời bảo đảm công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bắt đầu từ năm 2012, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 2 nhà giàn đầu tiên là DK1/14 và DK1/15. Sau đó, 8 nhà giàn tiếp theo ở các cụm Tư Chính, Ba Kè, Huyền Trân, Phúc Tần, Quế Đường cũng được nâng cấp, sửa chữa. Tất cả các nhà giàn này đều do ngành dầu khí thiết kế và xây dựng theo công nghệ tiên tiến, có chân kiềng vững chãi, chịu đựng được sóng lừng từ đáy đại dương.
Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến thay mặt Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đọc lời chúc tết qua loa gửi đến các chiến sĩ trên nhà giàn
Trước đây, mỗi khi có sóng gió cấp 9, nhà giàn thế hệ cũ có hiện tượng rung lắc, nay với nhà giàn mới, sóng gió cấp 10, cấp 11 vẫn không ảnh hưởng gì. Từ khi nhà giàn được nâng cấp, sửa chữa, cán bộ, chiến sĩ yên tâm hơn khi làm nhiệm vụ.
Trước đây, vào tháng 12-1990, một cơn bão lớn với gió giật cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK1/3 làm 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Các nhà giàn DK1/4, DK1/6 cũng bị bão giật sập nhưng không thiệt hại về người. Ngày 12-12-1998, cơn bão Faith có sức gió giật trên cấp 12 quét qua biển Đông. Sáng 13-12, nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị sóng cuốn trôi, đánh sập, khiến 9 cán bộ, chiến sĩ bị rơi xuống biển, trong đó có 3 người mãi mãi nằm lại giữa lòng biển khơi.
Và đã thành thông lệ, mỗi khi tàu từ đất liền ra đến nhà giàn, toàn tàu sẽ làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Sớm hôm ấy, sau một đêm neo tàu làm công tác chuẩn bị, toàn tàu Trường Sa 19 nghiêm trang, xúc động tưởng nhớ vong linh những người lính đã nằm lại dưới đáy biển khơi. Khi Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, đọc diễn văn đến đoạn thơ: “Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường/Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra/Trong cơn hồng thủy phong ba/DK1-Bản hùng ca lưu đời/Hương trầm quyện gió tỏa quanh/Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương/Sống không mưu lợi tầm thường/Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng...” thì giọng lạc đi, mắt rơm rớm. Tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhà báo không ai bảo ai, nhẹ nhàng thả vòng hoa xuống biển viếng các anh…
2. Lệnh triệu tập họp chỉ huy đoàn công tác được thông báo từ loa trên đài chỉ huy. Sau mấy phút, chúng tôi đã có mặt đầy đủ. Do được đoàn công tác “bổ nhiệm” làm tổng biên tập... bản tin, kỷ yếu chuyến đi và tổ trưởng tổ nhà báo đi theo đoàn nên tôi và một số anh chị khác được tham dự các cuộc họp của chỉ huy. Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến triển khai nhiệm vụ, kế hoạch tiếp cận nhà giàn DK 1/15. Phương án đưa ra là tàu sẽ hạ ca nô, một số cán bộ chỉ huy sẽ đi khảo sát trước. Nếu thuận lợi, ca nô sẽ lần lượt đưa cán bộ, chiến sĩ, nhà báo lên nhà giàn. Tan họp, chúng tôi bước xuống boong tàu, nhìn chiếc ca nô lao đi, rồi mất hút dưới cơn sóng bạc đầu, lòng không khỏi âu lo. Sau hơn 30 phút, ca nô vòng trở lại, cập vào mạn tàu. Không nói câu nào, 2 vị đại tá ra hiệu cho chúng tôi về phòng họp gấp. “Bước sóng cao, gió mạnh, ca nô không thể tiếp cận chân nhà giàn, nên không đưa người lên được”, đại tá Tuyến trầm ngâm. Rời phòng họp, chúng tôi trở về thông báo cho anh em, ai cũng tiếc nuối. Nhưng, biết làm sao được, an toàn tính mạng là trên hết!
Phương án chuyển hàng bằng cột dây thả xuống biển được triển khai. Hàng hóa được cột chặt vào túi bảo quản, bỏ vào bao, cột thành một hàng dài. Chúng tôi chất hàng lên boong tàu rồi hô 1, 2, 3, thả xuống biển. Trên nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ kéo hàng hóa lên. Vì không tiếp cận được nhà giàn, nên phương án “chúc tết qua loa” được tiến hành. Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến thay mặt Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đọc lời chúc, tiếp theo là chương trình văn nghệ, đọc thơ, hát tặng nhau giữa các nhà báo và cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn. Khi Phương Dung, biên tập viên của kênh Truyền hình quốc phòng đọc bài thơ tặng cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn trong nước mắt, chúng tôi ai cũng nghẹn ngào. Buổi chúc tết kết thúc, cũng là lúc tàu hú vang 3 hồi còi chào tạm biệt nhà giàn để bắt đầu hải trình tiếp theo. Chúng tôi tập trung ra boong tàu chào nhà giàn. Nhà giàn vẫn ở đó, vẫn sừng sững, hiên ngang giữa biển khơi. Chúng tôi nhìn thấy nhau, hò hét, vẫy tay chào nhau nhưng vẫn không bắt tay nhau được, không nhìn tận mặt nhau được, sao không khỏi bùi ngùi!
Nhiều ngày sau đó, tàu chúng tôi lần lượt đến nhà giàn DK1/11, DK1/14, DK1/12 nhưng vẫn quy trình ấy, vẫn cột hàng thả xuống biển rồi “chúc tết qua loa”. Khác với niềm hứng khởi ban đầu, trên gương mặt mọi người bắt đầu lộ vẻ lo lắng. Hơn một tuần lênh đênh trên biển, với sóng to gió lớn, niềm mong mỏi duy nhất của chúng tôi là bước chân lên nhà giàn... Cuộc họp trên phòng chỉ huy đoàn bắt đầu dài hơn, căng thẳng hơn. Đêm hôm ấy, khi tàu hành trình về nhà giàn DK1/10 (bãi cạn Cà Mau), nhà giàn cuối cùng của chuyến đi, sóng gió rất dữ, hầu như cả tàu không ai ngủ được. Tôi lò dò lên phòng đại tá Tuyến, thấy ông không ngủ, nằm gác tay lên trán. Vị đại tá từng dọc ngang Trường Sa, dọc ngang biển đảo đang thao thức. Hơn ai hết, ông biết rằng một chuyến đi vất vả như thế này, với cương vị trưởng đoàn công tác, ông phải đưa được mọi người lên nhà giàn, nếu không, xem như không hoàn thành nhiệm vụ. Ông là người hiểu hơn ai hết tình cảm của đất liền đối với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió và sự tha thiết, mong chờ tình cảm thắm thiết của nhân dân gửi đến cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn.
Sáng hôm sau chúng tôi đã đến nhà giàn DK1/10. Đây là nhà giàn thế hệ cũ duy nhất còn lại, ở cực Nam Tổ quốc. Trưởng đoàn đã quyết định hạ xuồng tiếp cận nhà giàn. Trong điều kiện sóng, gió vẫn lớn, thang lên nhà giàn đã hỏng, trưởng đoàn đã tổ chức họp bàn các phương án tối ưu để đưa người lên nhà giàn an toàn, trong đó có một số phương án như đưa thang từ tàu lên gia cố vào lan can, phương án dùng thang dây kéo người… Nhận thấy việc đưa người lên bằng thang cứng nguy hiểm, nhưng không bỏ cuộc, trưởng đoàn quyết định neo tàu chờ hôm sau để tính toán kỹ hơn các biện pháp bảo đảm an toàn.
3. Buổi chiều, tôi đang đứng trên boong tàu ngắm biển thì Thiếu úy Nguyễn Thế Hùng, người ra nhận nhiệm vụ mới ở DK1/10 đến bắt chuyện. Tôi hỏi Hùng: “Em đang nhớ gì?”, Hùng bảo là đang nhớ vợ con. Vừa từ nhà giàn DK1/21 về phép chưa đầy 2 tháng, Hùng phải ra DK1/10 nhận nhiệm vụ mới. Xa gia đình trước Tết Nguyên đán thì rất buồn, nhưng Hùng xác định là người lính, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng nên lại tiếp tục khoác ba lô lên đường. Câu chuyện đang dở dang thì Đại úy Huỳnh Chí Cường đến ra hiệu cho tôi lên phòng họp. Trên phòng, đại tá Tuyến nói ngắn gọn: “Các đồng chí về thông báo cho anh em chuẩn bị tư trang, mai chúng ta sẽ lên nhà giàn!”. Tôi lao xuống boong tàu thông báo cho mọi người, cả tàu vui như mở hội...
Ca nô đưa chỉ huy đoàn đi trước. Phương án tối ưu là cho ca nô chạy hướng ngược gió, ngược dòng nước. Mũi ca nô được giữ bằng dây từ mũi tàu, phía lái được chằng dây với nhà giàn, giữ cho ca nô có khoảng cách hợp lý với nhà giàn, không để bị gió, dòng nước xô vào nhà giàn, bảo đảm kéo người an toàn lên nhà giàn. Với cách tiếp cận ấy, các thành viên đoàn công tác đã lên nhà giàn an toàn. Vậy là ước mơ đã thành sự thật. Đây, chúng tôi đang đứng trên nhà giàn, trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, ai cũng cảm thấy tự hào!
Buổi chúc tết đã diễn ra ấm cúng. Chúng tôi giao lưu văn nghệ, cùng gói bánh chưng. Trung tá Trương Văn Thủy, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10, cho biết: “Dù đóng quân ở xa nhưng nhờ sự quan tâm chu đáo của Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào cả nước, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/10 vẫn đón tết đầy đủ, ấm áp như trong đất liền. Chúng tôi xin hứa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, chắc tay súng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Rời nhà giàn DK1/10, những cái bắt tay, những cái ôm ấm áp thay cho lời tạm biệt. Tàu chúng tôi quay mũi hướng về Côn Đảo. Trong tiếng sóng biển, vẫn âm vang câu chào nhau. Bóng nhà giàn xa dần, những người lính vẫn đứng vẫy tay. Chúng tôi biết con tàu đang đi về phía mùa xuân!
Theo TRẦN MINH TRƯỜNG (Sài Gòn Giải Phóng)