Thắt chặt tình thân gia đình cùng vượt qua dịch bệnh

02/09/2021 - 06:40

 - Chưa bao giờ nước ta phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng đến vậy. Mỗi người dân được kêu gọi trở thành chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài chống dịch, cùng đoàn kết chung tay vượt qua. Sống trong tình cảnh đầy lo âu, căng thẳng, đầy khó khăn như thế này, cần lắm sự yêu thương, thắt chặt tình thân gia đình để động viên nhau vững tâm chống dịch.

Những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gia đình cách ly với gia đình, không ai được đi đâu, kể cả về thăm cha mẹ, anh chị em, bạn bè. Chính vì thế, mọi người chỉ có thể trò chuyện, động viên, an ủi nhau qua điện thoại, gọi điện bằng các ứng dụng Zalo Video trên mạng xã hội Zalo hay Messenger của mạng xã hội Facebook...

Nội dung các buổi trò chuyện luôn xoay quanh “giai đoạn dịch bệnh”, như: nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tiêm phòng vaccine, cẩm nang phòng, chống dịch COVID-19. Hay đơn giản hơn là những câu chuyện về cách thức đi chợ, giá cả biến động của lương thực, thực phẩm hàng ngày, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng

Việc tưởng chừng như đơn giản như đi chợ lại là điều vô cùng khó khăn trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bà Hồ Thị Sẻ (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) ít hôm lại điện thoại hỏi thăm người chị ruột (đang sinh sống tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh) xem sức khỏe thế nào, có nằm trong vùng an toàn không, có mua được thực phẩm hay không.

Qua trao đổi thông tin, bà Sẻ vẫn không yên tâm, nhờ các con chuẩn bị 3 thùng thực phẩm, nào là khô, ba khía muối, tôm khô, bí đỏ, khoai lang, bắp non… gửi lên TP. Hồ Chí Minh “tiếp tế” để người chị  yên tâm chống dịch. Chị bà Sẻ vừa nhận được hàng thì thành phố siết chặt các biện pháp phòng dịch, người dân không được đi chợ. Đến nay, nhờ vào thực phẩm “tiếp tế” của bà Sẻ, mà chị bà yên tâm ở nhà, chế biến các món ăn đầy đủ dinh dưỡng để cả nhà nâng cao sức khỏe.

Rau, củ đơn giản nhưng đầy ắp tình yêu thương từ mẹ

Tương tự, bạn Nguyễn Hoàng Thái Đan (ngụ quận 7, TP. Hồ Chí Minh) vô cùng xúc động khi nhận được thùng hàng hóa từ người mẹ ở dưới quê (TX. Tân Châu) gửi lên. Bạn chia sẻ: “Tôi đi học, làm việc nhiều năm xa quê, đây không phải là lần đầu tiên mẹ gửi đồ ăn lên. Nhưng lần này, tôi cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Hôm nhận hàng, thấy thùng hàng to đùng, mở ra bên trong đầy đủ món thôn quê ngày xưa mình thích, các loại rau, củ, quả có thể để được lâu, mới thấy mình rất hạnh phúc. Giờ tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe, thường xuyên điện thoại trò chuyện để mẹ biết về tình hình dịch bệnh, không quá lo lắng cho tôi”.

Gia đình vốn là gốc rễ, cội nguồn để mọi người tìm về. Dù trong cuộc sống mưu sinh bôn ba nơi xứ người, dù đi học, đi làm nhiều nơi trong nước hay nước ngoài, dù thành công hay thất bại, trong tim mỗi người chất chứa 2 tiếng thân thương “gia đình”. Để rồi đến mỗi dịp lễ, Tết, họ mong ngóng trở về để tìm lại cảm giác bình yên, khung cảnh đoàn viên. Chính những lúc khó khăn do dịch bệnh thế này, càng trân quý hơn những giá trị tốt đẹp từ gia đình, càng gắn bó, thương yêu gia đình hơn.

Thùng quà nhận từ quê nhà

Anh Võ Đăng Khoa (ngụ xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Ở nhà nhiều ngày do giãn cách xã hội, tôi hơi mệt mỏi, chán nản khi theo dõi tình hình dịch bệnh, chưa kể lo nghĩ cho anh chị em, người thân làm ăn xa, đang sinh sống ở vùng tâm dịch, như: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long An. Do vậy, tôi đã lập nhóm “đại gia đình” trên mạng xã hội Zalo, nhằm thường xuyên liên lạc, thông báo, chia sẻ về tình hình dịch bệnh, cách bảo vệ sức khỏe cũng như động viên các thành viên không nên hoang mang, “Ai ở đâu ở đó”, tuân thủ quy định phòng dịch tại địa phương. Những lúc khó khăn như thế này, người thân ở xa được nghe những lời động viên, được nhìn thấy những gương mặt thân thương của các thành viên trong gia đình, sẽ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, thêm động lực vượt qua đại dịch”.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp. Lúc này đây, ai nấy đều cần sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương từ gia đình nhiều hơn. Cần lắm sự san sẻ từ ông bà trông giữ cháu để cha mẹ là y, bác sĩ, chiến sĩ công an yên tâm ngày đêm chống dịch; sự san sẻ thực phẩm, giúp đỡ tiền bạc chi tiêu với người thân gia đình khó khăn gặp cảnh thất nghiệp; sự chăm sóc, động viên ân cần với người thân không may nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm…

Để mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch, họ phải có một “pháo đài” vững chắc từ gia đình, đó là điểm tựa vững chắc để cùng nhau đẩy lùi “giặc dịch”.

NGỌC GIANG