Những ngày này, biên giới Tây Nam đã vui hơn khi lượng du khách phương xa đến ngày một đông lên, khoảng cách không gian và thời gian đã ngắn lại từ chuyến hành trình khám phá nơi đường ranh Việt Nam - Campuchia được đưa vào khai thác. Ước mong được ngắm nhìn một Thất Sơn uy linh từ sóng nước dập dềnh đã trở thành hiện thực. Giờ đây, khi ngược - xuôi dọc theo tuyến kênh Trà Sư - Vĩnh Tế chở nặng phù sa, du khách mới ngỡ ngàng tận hưởng giá trị của văn hóa, của lịch sử cội nguồn ẩn chứa trong sắc thái núi rừng.
Giờ đây, vùng biên thùy đất lửa đã được trỗi dậy sức sống của quá trình hội nhập và phát triển, khi khu du lịch Trà Sư tiếp tục khai thác nét sinh hoạt nhộn nhịp và sầm uất đặc trưng, tấp nập người qua kẻ lại của miền Tây nước nổi thông qua khu chợ nổi Trà Sư. Nồng đượm những sản vật quý giá của vùng núi đại ngàn cùng nền ẩm thực đậm đà truyền thống dân tộc…tất cả được tụ hội tại khu chợ, tạo nên nét thương hồ truyền thống và độc đáo nơi cửa ngõ Trà Sư.
Chợ nổi Trà Sư, nét thương hồ độc đáo
Thất Sơn hiện lên trong tâm thức người Việt qua các tên gọi của bảy ngọn núi trập trùng và hùng vĩ nơi cửa ngõ biên giới, vững chãi như minh chứng cho sự trường tồn của tổ quốc, sừng sững đứng bảo vệ bờ cõi phương Nam. Những điểm du lịch tâm linh huyền thoại và những mẩu chuyện kỳ bí tưởng chừng là món ăn tinh thần không thể thiếu của du khách khi đến tham quan vùng đất địa linh anh kiệt. Cũng vì thế mà dường như, một lát cắt bình yên của vùng biên giới phía Tây Nam lại ít khi được nhắc đến trong những câu chuyện lý thú miền biên viễn.
Rừng tràm ướt sũng những ngày của lũ, vang vọng đâu đó câu hò của ngoại trong buổi chiều tà cháy màu nắng nhợt nhạt, cháy cả một vùng đồng bằng nước nổi rộng lớn. Trong cái vệt nắng những ngày giữa độ tháng 7, thả hồn trên chiếc tắc ráng xuôi dòng Trà Sư êm đềm, ta mới có thể chiêm ngưỡng hết dáng vẻ kiều diễm thoát tục của nàng cầu kiều Trà Sư ẩn hiện trong bức tranh bồng lai nơi tiên cảnh rừng tràm, đắm mình vào khung ảnh quyến rũ của đất trời phương Nam. Và trong sự dịu ngọt của những giọt nắng nơi biên cương, được ngồi trên tuyến tàu xuôi dòng Vĩnh Tế, mới có thể cảm nhận hết thảy tình quê nồng đượm, bùi ngùi và tha thiết mà nhà văn Nghiêm Quốc Thanh đã chắt chiu trong từng con chữ tại tập văn “Mật nắng biên thùy”.
Kênh đào Vĩnh Tế chảy miệt mài giá trị của lịch sử, của quá trình mở mang bờ cõi trong những năm lập quốc thời vua Gia Long cho đến ngày nay. Tuy chỉ được sử sách ghi chép khiêm tốn theo dạng: “tổng chiều dài gần 100km, nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên, bắt đầu đào từ năm 1819 và hoàn thành năm 1824, với tổng số nhân công được huy động hơn 80 nghìn người” nhưng vai trò về an ninh quốc phòng, giao thông vận tải đường thủy, phát triển nông nghiệp vùng và những giá trị văn hóa mà Vĩnh Tế Hà mang đến lại đặc biệt đến vô cùng. Say sưa những vị ngọt mà kênh Vĩnh Tế tự bao đời đã đem đến cho người con phố núi, làng mạc và các đô thị sầm uất cũng từ đó liên tiếp nối đuôi nhau trải dài hai bên bờ kênh, đã tạo nên một làng điệu dân tộc đặc trưng với những tập tục từ lễ hội đến sinh hoạt đời thường.
Không gian xanh trù phú của rừng tràm Trà Sư đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam
“Bức tranh biên cương đầy khói lửa chợt bùng lên sức sống hồn nhiên như bất chấp những năm tháng đã rất nhọc nhằn” (Võ Diệu Thanh). . Nhộn nhịp hơn với câu hò của những nàng thơ, rộn rã hơn với tiếng cười đùa của khách vãng lai khi An Giang Tourimex khai thác nên chuyến dã ngoại về biên giới Tây Nam qua tuyến tàu trên dòng kênh Vĩnh Tế. Giá trị về kinh tế, kiến thức lịch sử sẽ còn được lưu giữ mãi bằng những trải nghiệm hòa mình vào cuộc sống, nếp sinh hoạt của người dân miền biên viễn…là những gì mà nhà đầu tư đang thật sự cống hiến cho tổ quốc, “gây quỹ” cho thanh xuân giới trẻ ngày nay có thêm điểm du lịch Trà Sư.
Hành trình về phương Nam khám phá chất bình yên của miền quê vùng biên giới, hòa nhịp cùng cảnh sắc của đất đồng bằng trĩu nặng phù sa mùa nước về trên tuyến tàu du ngoạn kênh Trà Sư - Vĩnh Tế tại khu du lịch Trà Sư sẽ là một trải nghiệm mới mẻ cho những chuyến “đưa nhau đi trốn” thoát khỏi lo toan mệt mỏi mùa cô vy.
THÁI NGỌC