Thay đổi để chống dịch hiệu quả

20/07/2021 - 06:41

 - Khi dịch bệnh COVID-19 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, xuất hiện nhiều trường hợp không rõ nguồn lây, cách thức ứng phó với dịch bệnh cũng cần thay đổi. Cùng với những biện pháp cách ly, khoanh vùng, truy vết thì tiến tới cách ly người về từ vùng dịch tại nhà, thí điểm cách ly F1 tại nhà (khi đảm bảo điều kiện), tách những trường hợp F0 triệu chứng nhẹ điều trị riêng (không điều trị chung với bệnh nặng), xét nghiệm SARS-CoV-2 có trọng tâm nhằm tránh lãng phí nguồn sinh phẩm y tế…

Tổ kiểm soát lưu động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Tịnh Biên. Ảnh: N.C

Khai báo ý tế để kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: N.C

Hạn chế xét nghiệm tràn lan

Theo hướng dẫn của ngành y tế, khi xác định người nhiễm COVID-19 (F0), bệnh nhân ngay lập tức được điều trị và cách ly tại các bệnh viện được điều trị người bệnh dương tính theo quy định của Bộ Y tế. Đối với F1 (người nghi nhiễm, người đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với F0) được cách ly tại khu vực được quy định của Bộ Y tế theo cập nhật trong từng giai đoạn phòng dịch.

Đối với F2 (người tiếp xúc với F1), cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp F1 âm tính, F2 có thể giải phóng và tự theo dõi sức khỏe. Trường hợp F3 (người tiếp xúc với F2) thì báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống, tự theo dõi sức khỏe và báo cáo nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mệt mỏi... Đối với F4 (người tiếp xúc với F3) hoặc F5 (người tiếp xúc với F4), không cần cách ly, tự theo dõi sức khỏe.

Thực tế hiện nay, khi phát hiện trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 (F0 hoặc F1), các địa phương lập tức khoanh vùng, truy vết, xác định F1, F2, F3… Đối với F1, được đưa đi cách ly tập trung, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng bộ KIT test nhanh tại chỗ, đồng thời lấy mẫu gửi về Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang để xét nghiệm RT-PCR. Nhiều địa phương “cẩn thận” hơn, thực hiện test nhanh với F2, thậm chí cả F3, F4. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền, việc xét nghiệm tràn lan là không cần thiết, gây lãng phí bởi số lượng F2, F3, F4 rất lớn.

“Đối với F2, đã thực hiện cách ly tại nhà; từ F3 trở đi, tự theo dõi sức khỏe. Các địa phương có thể chờ kết quả PCR đối với F1, nếu âm tính thì giải phóng F2, khuyến cáo người dân tự theo dõi sức khỏe. Như vậy sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn” - ông Hiền lưu ý.

Việc lạm dụng test nhanh trong vùng cách ly, phong tỏa, ở một số chốt kiểm soát hiện nay đang gây áp lực lớn cho ngành y tế về chuẩn bị bộ KIT test nhanh. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang Nguyễn Thị Hạnh cho biết, số lượng bộ KIT test nhanh hiện khan hiếm, nhiều đơn vị cung ứng tăng giá bán. Do vậy, cùng với chuyển hình thức từ đấu thầu sang chỉ định thầu để đáp ứng nhu cầu cấp bách thì việc sử dụng test nhanh cũng cần tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm.

Lãnh đạo huyện Tri Tôn động viên chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: N.C

Cần thiết cách ly tại nhà

Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương diễn biến phức tạp, số lượng người dân trở về quê khá lớn. Theo hướng dẫn của Sở Y tế, kể từ ngày 9-7-2021, người dân về từ TP. Hồ Chí Minh hoặc các địa phương có dịch thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về An Giang phải được cách ly tập trung 21 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần. Kinh phí thực hiện xét nghiệm và cách ly tập trung do cá nhân tự chi trả theo quy định.

Thực tế hiện nay, quy định cách ly tập trung người về từ vùng dịch đang phát sinh bất cập. Có trường hợp người lớn tuổi, mắc một số bệnh nền, bệnh mạn tính, như: tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch… khi vào cách ly tập trung rất khó khăn trong sinh hoạt, điều trị bệnh. Chưa kể, việc cách ly tập trung số lượng quá lớn có thể xảy ra lây nhiễm chéo giữa những người không nhiễm và người nhiễm COVID-19.

Ngày 14-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký Công văn 704/UBND-KGVX về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 (theo Công văn 5599/BYT-MT, ngày 14-7-2021 của Bộ Y tế). UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức hướng dẫn, triển khai.

Theo đó, giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo, đồng thời nghiên cứu triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà. Sở Y tế căn cứ vào tình hình thực tế có thể điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc triển khai (thông qua video clip, tài liệu truyền thông…); chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện. Sau khi thí điểm, tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và xem xét triển khai trên quy mô rộng hơn.

Về quản lý điều trị, đối với các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.

Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24 giờ làm lại xét nghiệm nếu tiếp tục có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì cho bệnh nhân xuất viện và thực hiện giám sát y tế tại nhà.

Khu cách ly tập trung tại thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới). Ảnh: H.C

Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày, nếu có tái dương tính không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

Tăng cường cách ly tại nhà, treo biển thông báo phía trước nhà để cộng đồng giám sát được xem là giải pháp phù hợp khi mà số ca nhiễm tăng, số lượng F1, người về từ vùng dịch ngày càng lớn, gây quá tải cho các sơ sở cách ly tập trung.

NGÔ CHUẨN