Thay đổi nhờ thủy lợi vùng cao

08/05/2019 - 07:45

 - Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi, việc đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao giống như tặng họ chiếc “cần câu” để tự thân phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống. So với những kiểu tặng trực tiếp “con cá” (hỗ trợ tiền, tặng quà, tặng bò giống, cấp đất…), việc đầu tư mở rộng thêm hệ thống tưới vùng cao là giải pháp giúp bà con Khmer giảm nghèo lâu dài, bền vững hơn.

Phum, sóc tươi vui

Tại 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, có thể cảm nhận rõ sự thay đổi của cuộc sống người dân Khmer ở những nơi được đầu tư trạm bơm vùng cao. Khác với hình ảnh nhà cửa tạm bợ khi xưa, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, phum, sóc trở nên tươi vui hơn. “Cũng dễ hiểu thôi, hồi trước chưa có trạm bơm, 200ha đất ruộng trên của bà con Khmer nơi đây canh tác mỗi năm chỉ được 1 vụ, lệ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên năng suất thấp, đời sống khó khăn. Khi trạm bơm điện Châu Lăng đi vào hoạt động, họ trồng được 3 vụ lúa/năm, thu nhập cao gấp cả chục lần, chẳng mấy chốc nhiều hộ đã vươn lên khá giả” - ông Chau Rươn, Trưởng ban Nhân dân ấp An Thuận (xã Châu Lăng, Tri Tôn), cũng là người được giao quản lý trạm bơm điện Châu Lăng chia sẻ.

Là 1 trong số hơn 400 hộ Khmer được hưởng lợi từ trạm bơm này, ông Chau Siêng (nông dân ấp An Thuận) so sánh: “Khi làm lúa phụ thuộc vào nước trời, kiếm được 350kg/công/năm là mừng lắm rồi. Từ khi chủ động được nước tưới từ trạm bơm Châu Lăng, làm được 3 vụ lúa/năm, năng suất đạt 600 - 700kg/công/vụ là bình thường. Nhờ vậy, gia đình tôi cất được căn nhà mới, cuộc sống no ấm hơn”.

Hệ thống mương dẫn nước vào trạm bơm 3-2

Thực tế cho thấy, đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer canh tác ruộng trên, những chính sách hỗ trợ trực tiếp như: hỗ trợ cho vay vốn, tặng bò giống, hỗ trợ tiền điện, kể cả cấp đất sản xuất… hiệu quả không cao. “Bởi khi có vốn, có đất mà canh tác lệ thuộc vào nước mưa, hiệu quả sản xuất thấp thì bà con khó thoát nghèo. Đối với mô hình chăn nuôi bò nhỏ lẻ, lợi nhuận cũng thấp. Trong khi đó, việc đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao cho thấy hiệu quả bền vững do nông dân không phải “trông trời, trông đất, trông mây”, chủ động hoàn toàn nguồn nước nên hiệu quả thấy rõ” - ông Chau Phon (nông dân xã Châu Lăng) nhấn mạnh.

Tại huyện Tri Tôn, những trạm bơm điện vùng cao ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống như: Ô Lâm, Cô Tô, An Tức, Châu Lăng, Lương Phi… đã giúp hàng ngàn hộ Khmer phát triển sản xuất, cuộc sống khấm khá hơn. Tính bình quân, mỗi trạm bơm điện dù chỉ dẫn nước phục vụ khoảng 200ha đất ruộng trên nhưng do đặc thù vùng cao, mỗi hộ chỉ có vài ba công đất nên trạm bơm đã giúp từ 400 - 500 hộ dân Khmer/xã có thu nhập ổn định, tự vươn lên thoát nghèo.

Cần tiếp tục đầu tư mở rộng

Tại huyện Tịnh Biên, với việc đầu tư trạm bơm 3-2, cuộc sống của hơn 1.300 hộ dân Khmer ở các xã: An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo, An Nông… như “thay da, đổi thịt”. “Hồi trước, bà con Khmer canh tác ruộng trên hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên, mỗi năm làm được 1 vụ nhưng thường xuyên mất mùa, đói kém. Năm 2000, toàn xã An Cư còn hơn 980 hộ nghèo nhưng đến nay giảm hơn 2/3. Rất nhiều hộ thoát nghèo nhờ hưởng lợi từ trạm bơm 3-2” - một lãnh đạo xã An Cư thông tin.

Theo Ban Quản lý các trạm bơm điện huyện Tịnh Biên, trạm bơm 3-2 được đầu tư xây dựng năm 1999. Qua 20 năm hoạt động, trạm bơm đã phát huy hiệu quả tích cực trong thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân Khmer ở các xã còn khó khăn của huyện. Thời điểm năm 2000, khi trạm bơm 3-2 mới đưa vào khai thác, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Văn Giáo là 37,85%, Vĩnh Trung 18,61%, An Cư 27,09%. Đến nay, nhờ “tiếp sức” của trạm bơm cùng những chính sách giảm nghèo khác, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương này giảm rất nhanh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Theo UBND tỉnh, giai đoạn 1999 - 2017, Chương trình 135 đã đầu tư gần 300 tỷ đồng, triển khai thực hiện 402 công trình trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình này kết hợp với các dự án hỗ trợ sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Nổi bật trong số đó là đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vùng cao ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng, giúp nông dân Khmer chủ động được nguồn nước tưới, góp phần nâng 40% diện tích sản xuất từ 1 vụ (phụ thuộc nước mưa) lên 3 vụ/năm (chủ động nước tưới), nâng diện tích ruộng trên canh tác được từ 3.000ha lên 4.000ha. Tuy nhiên hiện nay, vùng này còn khoảng 60% diện tích ruộng trên sản xuất 1 vụ/năm, hiệu quả canh tác thấp. Do vậy, tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi vùng cao ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, giúp đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có điều kiện mở rộng diện tích và quy mô canh tác, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống. Trước mắt, ưu tiên đầu tư tiếp hệ thống bơm cấp II trên cơ sở trạm bơm cấp I có sẵn. Theo tính toán, chi phí đầu tư cho hệ thống bơm nối, mương dẫn phục vụ tưới cấp II chỉ bằng một nửa chi phí đầu tư trạm bơm cấp I nhưng đảm bảo được nước tưới cho hơn 50% diện tích ruộng trên còn lại của mỗi vùng. Nếu 100% diện tích đất vùng cao được chủ động nước tưới (khoảng 8.000ha), hiệu quả giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer càng bền vững.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN