Thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt

17/04/2024 - 05:19

 - Hiện nay, khoa học – công nghệ phát triển, thúc đẩy mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, với nhiều lợi ích cho xã hội và các bên tham gia. Tuy vậy, thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân không thể một sớm một chiều, mà cần thời gian “thẩm thấu”, thực hiện từng bước nhỏ, bằng từng mô hình cụ thể.

Việc tiêu tiền mặt đang gặp một số bất cập, nhất là khi giao dịch số lượng lớn; độ an toàn không cao, bảo quản khó. Tình trạng gặp phải tiền rách, tiền giả khá phổ biến, dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng. Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang, thanh toán không dùng tiền mặt giúp xã hội nhận lợi ích to lớn, như: Giảm chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm, bảo quản tiền; hạn chế lượng tiền mặt lưu thông, thu hút các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội.

Đối với người dân, lợi ích nhận thấy rõ nét nhất là đi nước ngoài không cần mang theo ngoại tệ; được nhận nhiều ưu đãi (vay chi tiêu chậm trả lãi, giảm giá từ người bán, mua trả góp 0%, được hưởng khuyến mãi…). Các giao dịch chuyển tiền nhanh, chính xác, không cần kiểm đếm; thanh toán mọi lúc, mọi nơi mà không phải gặp nhau trực tiếp; dễ kiểm soát, quản lý chi tiêu cá nhân.

Thực hiện mô hình "Tuyến đường thanh toán không sử dụng tiền mặt"

Hầu hết dịch vụ thanh toán đã chuyển hướng không cần đến tiền mặt, như: Nhận tiền, chuyển tiền, đóng học phí, viện phí, tiền điện, nước, nạp tiền điện thoại, cước taxi, vé máy bay, mua hàng tại siêu thị, quán ăn, vé xem phim, thanh toán vay tiêu dùng… Chỉ cần 2 bước đơn giản để tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, gồm: Mở tài khoản, làm thẻ đăng ký thanh toán trực tuyến qua mạng; tải ứng dụng e – mobile banking hoặc ví điện tử đăng ký và kết nối tài khoản ngân hàng.

“Rất nhiều nơi tạo điều kiện cho khách hàng quét mã QR thanh toán, nên tôi không cần mang theo tiền mặt nhiều như trước, chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối Internet hoặc 5G. Những khoản chi phí trong gia đình (điện, nước, điện thoại), tôi đều cài đặt thanh toán tự động, không mất công đi tận nơi đóng, không sợ đi vắng nhiều ngày quên thanh toán” – ông Nguyễn Quang Vinh (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Quyết định 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm. Cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn đô thị tăng dần mức độ chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

UBND tỉnh An Giang cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác trên 80%. Phấn đấu 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại; đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 70% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Tỉnh khuyến khích 100% cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi giao dịch tại các kênh phân phối hàng hóa; thanh toán hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; khuyến khích 100% đơn vị hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ hiện có chấp nhận thêm phương thức thanh toán điện tử.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến trên phương tiện truyền thông; phát triển dịch vụ thanh toán hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán điện tử; triển khai chương trình, sự kiện kích cầu thanh toán điện tử; đảm bảo an ninh, an toàn, minh bạch và bảo mật thông tin trong các giao dịch sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại các phường trung tâm của TP. Long Xuyên, nhiều “Tuyến đường thanh toán không sử dụng tiền mặt” lần lượt xuất hiện. Điển hình như, UBND phường Mỹ Bình thí điểm mô hình trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ cầu Hoàng Diệu – cầu Nguyễn Trung Trực), hơn 100 cơ sở kinh doanh tham gia. Thời gian sau, mô hình mở rộng ra tuyến đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ cầu Nguyễn Thái Học đến đường Nguyễn Du), thu hút 81 cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) tham gia; tuyến đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến bờ kè đường Ngô Quyền), với 62 cơ sở SXKD.

Gần đây nhất, UBND phường Mỹ Xuyên chọn đường Hà Hoàng Hổ (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến giáp ranh phường Đông Xuyên) để ra mắt “Tuyến phố thanh toán không sử dụng tiền mặt”, thu hút hơn 160 cơ sở SXKD nhiều lĩnh vực. Các đơn vị liên quan (viễn thông, ngân hàng, ngành công thương) phối hợp địa phương đến từng hộ dân, cơ sở để vận động, hướng dẫn cài đặt ứng dụng, thao tác thanh toán không dùng tiền mặt, cách mở tài khoản miễn phí; tập huấn cho cán bộ, công chức phường, khóm, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng.

Những sự thay đổi nhỏ tích lũy lại sẽ góp phần chuyển biến nhận thức, tiến tới thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhanh hơn trong hoạt động kinh doanh, mua bán trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo an toàn, người dân cần thay đổi mã khóa bí mật thường xuyên; không để lọt thông tin cá nhân, thông tin in trên thẻ cho bất kỳ ai. Không mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân. Bên cạnh đó, cần nhận diện, cảnh giác thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao (mời nhận quà trúng thưởng, mở thẻ tín dụng, yêu cầu tải app, mạo danh cơ quan chức năng, bẫy kiếm tiền online, giả mạo con dấu…), để tránh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

AN KHANG