Doanh nhân Trần Bằng Việt chia sẻ với các doanh nhân trẻ An Giang
Những khó khăn, thách thức
Di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh xuống TP. Long Xuyên để giao lưu, chia sẻ với doanh nhân trẻ An Giang tại buổi “Cà-phê doanh nhân” mới đây, ông Trần Bằng Việt (Tổng Giám đốc Đông Á Solutions, Chủ tịch Jadeite Ventures, nguyên Tổng Giám đốc Mai Linh Taxi, nguyên Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ thế giới tại Việt Nam - JCI Vietnam) đưa ra hình ảnh nhiều vị trí quảng cáo đẹp trên đường còn trống trải nội dung, không có nhiều DN thuê giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, để chứng minh kinh tế còn khó khăn. “Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu mới đây, khoảng 82% DN dự kiến giảm quy mô. Chúng ta không bi quan nhưng cũng đừng ảo tưởng rằng kinh tế đang thuận lợi” - ông Việt chia sẻ.
Theo doanh nhân này, có 2 mâu thuẫn lớn đang tác động tới kinh tế thế giới, đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và mâu thuẫn phương Đông - phương Tây, mà biểu hiện là chiến tranh Nga - Ukraine. Trong khi đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm của Việt Nam từ 600 - 700 tỷ USD, gấp 2 lần GDP, tức tiền đến và đi gấp đôi tích lũy, dễ bị tác động bởi kinh tế bên ngoài.
“Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, thuật ngữ VUCA xuất hiện, chứng tỏ thế giới không còn trật tự và dễ đoán định như trước. Từ năm 2019, thuật ngữ BANI xuất hiện, bắt đầu một giai đoạn thế giới dễ đứt gãy, những tác động đi thẳng vào từng DN. Kỷ nguyên tiền rẻ tạo nên bong bóng bất động sản, cổ phiếu tăng. Trong nước, bất động sản không ổn định, lãi suất tăng giảm, tín dụng siết mở liên tục, tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh” - ông Việt phân tích.
Doanh nhân trẻ An Giang được học hỏi kinh nghiệm quý từ những doanh nhân thành đạt
Những cơ hội mới
Tổng Giám đốc Đông Á Solutions Trần Bằng Việt cho rằng, Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mức sống ở các đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung ngày càng cao. Nhiều tập đoàn, DN có khuynh hướng dịch chuyển nhà máy về các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tận dụng nhân công giá rẻ và mức sinh hoạt thấp hơn. “Những địa phương như An Giang có thể hưởng lợi từ khuynh hướng này” - ông Việt đánh giá.
Chuyên gia này cho rằng, dù trong khó khăn, nhưng nếu các DN có sự chuẩn bị tốt, vẫn có thể tận dụng được cơ hội đầu tư kinh doanh. Vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước là: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga - những quốc gia có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới. Trong đó, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ - đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN.
“Trong đó, những sản phẩm, hàng hóa xanh sẽ có lợi thế. Việt Nam và nhiều nước cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải vào năm 2025, tiến tới “zero” carbon vào năm 2050, đặt ra yêu cầu sản xuất hàng hóa không đi ngược xu hướng tăng trưởng xanh” - Tổng Giám đốc Đông Á Solutions Trần Bằng Việt phân tích.
Cùng chia sẻ với doanh nhân trẻ An Giang, các doanh nhân thành đạt khác là Chủ tịch Sài Gòn Book Nguyễn Tuấn Quỳnh (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh) và nhạc sĩ - doanh nhân - nhà đầu tư Phạm Uyên Nguyên, nguyên Giám đốc Điều hành VinaCapital (tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu Việt Nam) đều đồng ý rằng, dù kinh tế còn khó khăn nhưng DN vẫn đang có những cơ hội. Đó là cơ hội từ nguồn dân số trẻ của Việt Nam rất lớn, mà người trẻ luôn sẵn sàng tiêu xài, thích ứng nhanh với chuyển đổi số, có nhiều đổi mới, sáng tạo.
Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia có sự ổn định lâu dài, tạo yên tâm cho các nhà đầu tư và cơ hội liên kết, hợp tác. Những năm gần đây, Việt Nam xây dựng được uy tín xuất khẩu, sản phẩm “made in Vietnam” có thương hiệu ở nước ngoài, được khách hàng ở những thị trường khó tính chấp nhận.
Điểm sáng đầu tư
Các chuyên gia cho rằng, có 4 ngành ở Việt Nam mà chắc chắn sẽ phát triển trong tương lai là giáo dục, y tế, lương thực và năng lượng. Theo đó, người Việt Nam vốn xem trọng giáo dục, dù nghèo khó vẫn dành tiền cho con đi học; giáo dục tư nhân sẽ phát triển bởi nền giáo dục công lập không đáp ứng được kỳ vọng. Người Việt trọng chữ hiếu, đạo đức truyền thống, “dù bán nhà cũng phải lo chữa bệnh cho cha mẹ, người thân”. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng cao.
Đối với ngành lương thực, thực phẩm, những tỉnh như An Giang có lợi thế lớn, khi mà nhiều nước cấm xuất khẩu, giá gạo tăng lên 30 - 50% thời gian gần đây; dự báo khủng hoảng lương thực, thực phẩm sẽ còn kéo dài. Do đó, những sản phẩm nông nghiệp xanh của Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường.
Với kinh nghiệm từng làm quản lý tập đoàn lớn, rồi tự thân khởi nghiệp với Sài Gòn Book, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng, người chủ DN khó có thể giỏi hết các lĩnh vực nên phải tìm được cộng sự giỏi, bổ khuyết cho nhau để phát triển bền vững. Cùng với chăm sóc khách hàng, DN cần chăm sóc tốt nhân viên của mình, xây dựng môi trường để nhân viên thương yêu nhau, giữ chân nhau.
“Ví dụ như ở Viettel, mỗi phòng, ban không được quá 50 người, trách nhiệm người đứng đầu bộ phận là phải chăm sóc tốt cho nhân viên, tổ chức nhiều hoạt động để các nhân viên và gia đình họ gắn kết nhau. Với Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, cửa hàng trưởng không cần trình độ học vấn cao, nhưng phải biết chăm sóc tốt nhân viên, còn lại các khâu bán hàng đã có công nghệ hỗ trợ” - ông Quỳnh chia sẻ.
Với nhạc sĩ - doanh nhân - nhà đầu tư Phạm Uyên Nguyên, lời khuyên cho các doanh nhân trẻ An Giang là cần tận dụng tốt nền kinh tế chia sẻ, phát huy thế mạnh của công nghệ. “Ví dụ như hệ thống nhà thuốc Long Châu, họ chỉ cần thuê mặt bằng đẹp, kết hợp các công ty dược chia sẻ nguồn thuốc giá gốc, sử dụng công nghệ trong kê đơn, theo dõi đơn thuốc, phác đồ điều trị, có bác sĩ AI (sử dụng trí tuệ nhân tạo trên cơ sở phân tích hơn 50 triệu bệnh nhân), kết hợp nhân viên tư vấn nhiệt tình, chu đáo là đã thu hút khách hàng” - ông Nguyên nhấn mạnh.
NGÔ CHUẨN