Thế đứng của ẩm thực Việt và sản phẩm truyền thống

06/05/2019 - 07:44

 - Lễ hội ẩm thực dân gian và sản phẩm truyền thống khép lại với nhiều kết quả tích cực, cho thấy ẩm thực Việt và các sản phẩm dân gian truyền thống có chỗ đứng trong lòng người dân. Người tiêu dùng vẫn yêu và tin dùng hàng Việt, tạo thế đứng vững chắc cho các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đến với lễ hội, Công ty TNHH MTV May mặc Khang Anh tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm may mặc truyền thống dân tộc, đậm nét hồn quê. Với cách bày trí lạ mắt, gian hàng đã tạo ấn tượng và thu hút sự quan tâm du khách. Các sản phẩm truyền thống, như: những chiếc áo dài với chất liệu lãnh mỹ a, lụa; khăn rằn, nón lá, quạt làm bằng lá sen... tạo nên những nét xưa, hoài cổ, thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh. Chị Diễm (Công ty TNHH MTV May mặc Khang Anh) cho biết, lễ hội được tổ chức vào những ngày nghỉ dài tạo nên điểm nhấn đặc biệt. Đó không chỉ không gian văn hóa với nhiều sản phẩm truyền thống, lễ hội còn là dịp để người dân được mua sắm các sản phẩm đặc trưng, là nơi để người dân vui chơi giải trí, thưởng thức các món ăn dân gian.

Sản phẩm trưng bày tại lễ hội thu hút sự quan tâm của khách hàng

Anh Trương Thành Đạt (Hộ kinh doanh nông trại Ếch Ộp) chia sẻ: “Lễ hội giúp nhiều người dân biết đến sản phẩm sạch, an toàn, tìm hiểu và mong muốn đặt mua sản phẩm lâu dài. Được sự hỗ trợ như vậy giúp doanh nghiệp nhỏ có thể quảng bá được sản phẩm, mở rộng thương hiệu. Nếu không nhận được sự hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận với khách hàng và người tiêu dùng”. Anh Diệp Thanh Huy (Cơ sở sản xuất - kinh doanh dược liệu Thiên Ân) bày tỏ: “Đối với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp, việc được quan tâm và hỗ trợ rất có ý nghĩa và cần thiết. Qua lễ hội, tôi quảng bá được sản phẩm, tiếp cận thêm nhiều khách hàng, lắng nghe ý kiến khách hàng đóng góp về mẫu mã, cách giao nhận hàng hóa... Những ngày diễn ra lễ hội, doanh thu của chúng tôi rất tốt, khách hàng được rộng mở hơn, có lượng khách hàng mới ngoài tỉnh như: Kiên Giang, Đồng Tháp...”. 

Anh Lê Hữu Thuận (Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh) cho biết: “Trưng bày sản phẩm dưa lưới và tinh dầu chúc, mới ngày thứ 2 đã hết hàng, vượt ngoài dự kiến của trung tâm và đơn vị cung cấp nên không chuẩn bị kịp nguồn hàng”. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV TM nhà hàng, khách sạn Hòa Bình Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết: “Nhà hàng, khách sạn Hòa Bình 1 tham gia gian hàng ẩm thực phục vụ khách hàng và quảng cáo hình ảnh chương trình khuyến mãi giảm giá, thu hút rất đông khách hàng”.

Nhờ vị trí tổ chức lễ hội ngay trung tâm đô thị TP. Long Xuyên và trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 nên thu hút rất đông người dân ở TP. Long Xuyên, các địa phương lân cận trong tỉnh, kể cả người dân ở các địa phương ngoài tỉnh như: TP. Cần Thơ, Đồng Tháp… đến tham quan, vui chơi và mua sắm. Chị Nguyễn Thị Thu (ngụ huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Dù nghỉ lễ 5 ngày, gia đình 4 người không đủ khả năng đi du lịch xa, đến TP. Long Xuyên có chỗ vui chơi, thưởng thức món ăn ngon, mua sắm vài thứ cần thiết tại lễ hội trong kỳ nghỉ lễ”. Anh Trần Văn Hiển (thị trấn Lấp Vò, Đồng Tháp) bày tỏ: “Nghe nói có lễ hội ẩm thực nên chở cả gia đình sang đây chơi lễ, tham quan, chơi các trò chơi”.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi nhấn mạnh, dù lễ hội quy mô còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa quan trọng việc định hướng phát triển sản xuất và khai thác hiệu quả thị trường nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bởi doanh nghiệp sản xuất sẽ bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, không qua đơn vị trung gian là nhà phân phối. Đây còn là dịp giúp doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách với người tiêu dùng, từ đó xác định sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng, xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tạo mối liên kết chặt chẽ hơn trong tương lai”.

Sự kiện còn là ngày hội mua sắm của người tiêu dùng với các mặt hàng dệt may, đồ uống, nông sản thiết yếu, ẩm thực... và các sản phẩm truyền thống quen thuộc của tỉnh như: dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, tơ lụa Tân Châu, tranh thốt nốt, tinh dầu chúc, tung lò mò... Không chỉ tham quan mua sắm, du khách còn được chiêm ngưỡng các nghệ nhân biểu diễn các công đoạn tạo ra thành phẩm, trình diễn mô hình như: lụa Tân Châu, dệt Khmer Văn Giáo... Thưởng thức các món ăn đặc trưng như: bánh xèo, bánh khọt, chè trôi nước, bánh tằm, gỏi, cơm nị và cà pụa, món cà ri cá, bánh bò nướng, bánh canh Vĩnh Trung, bánh Ka-Tum, bánh bò thốt nốt, há cảo...

Lễ hội đã tăng cường vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong hoạt động thương mại, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, tích cực quảng bá các sản phẩm, thương hiệu nhất là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đây còn là dịp giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, quảng bá sản phẩm truyền thống của vùng đất và con người An Giang.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, qua 3 ngày diễn ra lễ hội, doanh thu của 20 doanh nghiệp bán hàng trên 300 triệu đồng, thu hút trên 2.500 lượt khách tham quan, vui chơi và mua sắm. Các doanh nghiệp còn lại trưng bày giới thiệu sản phẩm mang hiệu ứng quảng bá rất tốt. 

 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích