Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Đông Nam Á, Lào ghi nhận 836 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong. Đa số các ca mắc mới là lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 394 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 114.787 ca, trong đó có 409 người tử vong. Lào chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nhưng vẫn tiếp tục tăng cường giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ra chỉ thị không cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron được điều trị tại nhà, bất kể điều kiện kinh tế hay tuổi tác. Hiện các bệnh nhân nhiễm Omicron tại Campuchia đang được điều trị tại Trung tâm Quốc gia điều trị bệnh Lao phổi, Phong và Bệnh viện Loung Mae.
Campuchia đầu tháng này đã cho phép mở lại các trường mẫu giáo để trẻ em từ 3-5 tuổi có thể đến lớp. Quyết định trên được đưa ra dựa trên cơ sở các ca lây nhiễm cộng đồng giảm và tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 trong nước đạt mức cao. Tính đến ngày 2/1, Campuchia đã tiêm mũi tăng cường cho khoảng 3,6 triệu người, tương đương 21,25% dân số nước này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca nhiễm tại Singapore đang tiếp tục tăng. Bộ Y tế nước này cho biết tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm theo tuần vào ngày 3/1 là 1,09, tăng so với tỷ lệ 0,95 vào ngày 2/1. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 12/12/2021 tỷ lệ gia tăng ca nhiễm theo tuần cao hơn 1 và là ngày thứ 11 liên tiếp con số này tăng. Khi con số này cao hơn 1 đồng nghĩa với số ca nhiễm mới theo tuần đang tăng.
Hiện có 438 ca nhiễm biến thể Omicron tại Singapore, trong đó 347 ca nhập cảnh và 91 ca trong cộng đồng. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung lưu ý làn sóng Omicron đang ở trước mặt và Singapore cần chuẩn bị ứng phó. Từ ngày 14/2, những người trên 18 tuổi ở Singapore sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường trong vòng 270 ngày kể từ sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Philippines đã hủy lễ rước tượng Black Nazerene truyền thống ở thủ đô Manila, địa phương đang là tâm dịch ở nước này với phần lớn số ca mắc mới ghi nhận tại đây. Từ ngày 5/1, Philippines đã mở rộng áp dụng các biện pháp hạn chế ra các khu vực lân cận bên ngoài thủ đô Manila - gồm các tỉnh Blacan, Cavite và Rizal với hơn 11 triệu người dân.
Bộ Y tế Philippines ngày 5/1 thông báo ghi nhận 10.775 ca mắc mới COVID-19, tăng tới 60 lần so với mức 168 ca trong ngày 21/12/2021 và là mức cao nhất kể từ ngày 10/10/2021. Số ca mắc mới COVID-19 vừa ghi nhận đã đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 2.871.745 ca, trong đó có 51.662 ca tử vong (tăng 58 ca). Như vậy, Philippines hiện có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia đã quyết định giảm bớt các yêu cầu về xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh hệ thống xét nghiệm của nước này đang phải căng sức đáp ứng nhu cầu của người dân khi số ca nhiễm liên tục tăng cao. Theo các quy định mới, những người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) dương tính với virus sẽ không còn bắt buộc phải làm thêm xét nghiệm PCR, yêu cầu xét nghiệm thường xuyên đối với tài xế xe tải cũng được dỡ bỏ, và hành khách nhập cảnh từ nước ngoài sẽ không cần phải lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần.
Tại Israel, theo tính toán của giáo sư Eran Segal tại khoa Khoa học máy tính và Toán ứng dụng thuộc Viện Weizmann, số lượng bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại Israel cứ sau 2,5 - 2,7 ngày lại tăng gấp đôi. Báo cáo của giáo sư Segal công bố ngày 5/1 cho biết đà tăng nói trên là rất ổn định trong thời gian qua.
Cùng ngày, báo cáo của Bộ Y tế Israel cho biết số ca mắc mới tại nước này đã tăng lên 11.978 ca, là mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch xuất hiện. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính là 6,65%, trong khi hệ số R đo tốc độ lây nhiễm cũng tăng liên tục lên 1,94. Hiện vẫn còn 14% số người trên 20 tuổi tại Israel chưa đi tiêm phòng vaccine, khiến nhóm này chiếm tới 68% các ca COVID-19 nặng.
Tại châu Âu, kể từ ngày 10/1, Bỉ nới lỏng quy định về xét nghiệm COVID-19 và cách ly, theo đó chỉ những người có triệu chứng nhiễm bệnh mới phải xét nghiệm PCR. Những người tiếp xúc có nguy cơ cao nhưng không có triệu chứng, đã tiêm 2 hoặc 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 5 tháng qua, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, sẽ không phải xét nghiệm PCR, không phải cách ly. Đối với những người tiêm mũi 2 trên 5 tháng, thời gian cách ly sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 4 ngày. Riêng với các trường hợp chưa tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, thời gian tự cách ly là 7 ngày. Tất cả các trường hợp nêu trên vẫn phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và không tiếp xúc với những người dễ tổn thương. Tuy nhiên, những biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Bỉ.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Đức thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại vốn được áp đặt với Vương quốc Anh, Nam Phi kể từ khi biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm cao được phát hiện. Theo đó, người từ Anh hoặc Nam Phi đến Đức sẽ không còn phải cách ly trong 2 tuần. Tuy nhiên, thời gian cách ly đối với du khách nhập cảnh vào Đức từ các quốc gia nằm trong danh sách “các khu vực đáng lo ngại” trong đó có quy định cách ly bắt buộc 14 ngày, sẽ không được rút ngắn thời gian kể cả có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính.
Các biện pháp hạn chế trên cũng áp đặt cả với công dân và những người định cư tại Đức trở về từ các “khu vực đáng lo ngại” do biến thể Omicron. Riêng đối với du khách đến các khu vực có “nguy cơ cao”, nếu có chứng nhận tiêm vaccine, không cần phải cách ly. Với những người chưa tiêm, bắt buộc phải cách ly 10 ngày nhưng có thể rút ngắn xuống một nửa nếu sau 5 ngày xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Prague, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông tin của Hệ thống Kiểm dịch thông minh Séc cho biết trong ngày 4/1, 42.000 người từ 18-29 tuổi đã đăng ký tiêm mũi vaccine bổ sung. Theo dữ liệu thống kê tiêm chủng, toàn Séc có tổng cộng 6,82 triệu người đã được tiêm chủng, chiếm khoảng 64,5% dân số Séc. Đối với những người trên 60 tuổi, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng là hơn 80% và hơn 70% với những người ở độ tuổi 70.
Séc đã ghi nhận 10.169 ca mắc mới trong ngày 4/1, mức tăng hơn 10.0000 người nhiễm bệnh sau hai tuần. Hiện có 2.854 bệnh nhân nhập viện, trong đó có 506 bệnh nhân trong tình trạng nặng. Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng trở lại với 368 người/100.000 dân trong 7 ngày qua.
Kể từ khi dịch xuất hiện vào tháng 3/2020, trên 2,5 triệu ca mắc đã được xác nhận ở Séc. Cho đến nay, khoảng 2,4 triệu người được chữa khỏi căn bệnh này, trong khi 36.397 người đã tử vong. Theo dự báo của Viện Thông tin và Thống kê Y tế Séc (ÚZIS), làn sóng nhiễm biến thể Omicron có thể dẫn đến 50.000 ca mắc mới mỗi ngày và khoảng 7.000 ca điều trị tại các bệnh viện vào nửa cuối tháng 1/2022.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin về biến thể của virus SARS-CoV-2, có tên gọi là IHU hay B.1.640.2, được phát hiện đầu tiên ở Pháp cuối năm 2021. Biến thể mới nói trên chính thức được ghi nhận xuất hiện đầu tiên ở Pháp tháng trước, sau khi các bệnh nhân vùng Marseille miền Nam nước Pháp bắt đầu có triệu chứng bệnh hồi tháng 11. Biến thể IHU có 46 đột biến, khiến giới chuyên gia quan ngại có thể kháng các loại vaccine hiện nay, cho dù biến thể này dường như không có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt khi so sánh với biến thể Omicron xuất hiện cùng khoảng thời gian nhưng nay đã lây lan ra toàn cầu. Giới chuyên gia quốc tế cũng cân nhắc hạ thấp nguy cơ do IHU gây ra, trong đó nhiều chuyên gia cho rằng Omicron đã áp đảo IHU.
Văn phòng WHO ở châu Âu cũng cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng trên toàn thế giới có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm hơn. Mặc dù lây lan nhanh, song biến thể Omicron cho đến nay dường như ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu, theo đó thế giới hy vọng đại dịch có thể sớm chấm dứt và cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.
Theo LÊ ÁNH (TTXVN)