Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 17/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Sự chú ý đang đổ dồn vào tình hình dịch tại Trung Quốc, nơi chứng kiến làn sóng dịch bùng phát mạnh mẽ do biến thể Omciron. Trung Quốc ngày 21/3 đã phong tỏa thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc nước này, sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây tăng. Theo thông báo, nhà chức trách đã tiến hành kiểm soát chặt toàn bộ các khu dân cư, đồng thời cấm người dân rời khỏi nhà mà không có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Với khoảng 9 triệu dân, Thẩm Dương là trụ sở công nghiệp của nhiều nhà máy, trong đó có hãng sản xuất ô tô BMW. Trong ngày 22/3, thành phố này đã ghi nhận 47 ca mắc COVID-19 mới.
Trong khi đó, Bộ Y tế Lào ngày 22/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 2.328 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó riêng thủ đô Viêng Chăn có tổng cộng 1.331 ca. Trước tình hình trên Bộ Y tế Lào kêu gọi người tự xét nghiệm nhanh tại nhà có thể đăng ký trên kênh tư vấn của Trung tâm thông tin y học để được hỗ trợ cách thức theo dõi sức khoẻ phù hợp. Việc đăng ký này được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan chức năng thu thập dữ liệu chính xác hơn về số trường hợp đang tự chăm sóc tại nhà thay vì đến điều trị tại bệnh viện.
Bộ Y tế Lào cũng kêu gọi người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên tự cách ly ít nhất 10 ngày và người có triệu chứng nên theo dõi thêm 3-13 ngày trước khi trở lại cuộc sống bình thường.
Tại Tây Âu, làn sóng dịch COVID-19 lại bùng lên một lần nữa trong bối cảnh nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, khả năng miễn dịch bắt đầu suy giảm và dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh. Tại Pháp, số ca mắc mới đã tăng hơn 33% trong một tuần kể từ khi chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch ngày 14/3 vừa qua.
Tại Đức, dù số ca mắc mới mỗi ngày ở mức cao kỷ lục với gần 300.000 ca ngày 18/3, Quốc hội nước này vẫn thông qua quyết định cho phép bãi bỏ hầu hết các hạn chế trên cả nước theo đúng thời hạn vào ngày 20/3. Tuy nhiên, hầu hết các bang của Đức vẫn duy trì các hạn chế phòng dịch này.
Tại Italy, Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi cuối tuần qua đã thông báo kế hoạch dần gỡ bỏ gần như tất cả hạn chế trước ngày 1/5 tới, bất chấp số ca mắc mới COVID-19 gia tăng. Tại Anh, nơi hiện cứ 20 người thì có 1 người nhiễm bệnh, chính phủ đã dỡ bỏ những hạn chế đi lại quốc tế cuối cùng hôm 18/3.
Trong khi đó, đối mặt với số ca mắc mới gia tăng, Áo cuối tuần qua thông báo sẽ tái áp đặt quy định đeo khẩu trang FFP2, chỉ vài tuần sau khi dỡ bỏ biện pháp này.
Trong khi một số ý kiến cho rằng dịch bệnh gia tăng là do chính phủ các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế quá vội vàng, giới chuyên gia dịch tễ học chỉ ra rằng dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là “Omicron tàng hình” đang chiếm ưu thế tại nhiều quốc gia. Ước tính BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn khoảng 30% so với bản gốc của biến thể Omicron (BA.1).
Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick của Anh nhận định số ca mắc mới gia tăng tại châu Âu là do "một cơn bão hoàn hảo" tổng hợp 3 yếu tố gồm việc dỡ bỏ các hạn chế, sự suy giảm khả năng miễn dịch theo thời gian sau khi tiêm chủng và tốc độ lây lan của dòng phụ BA.2.
Nhằm củng cố khả năng miễn dịch đang suy giảm, một số quốc gia như Pháp đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4. Anh cũng dự kiến triển khai chiến dịch tiêm phòng tương tự vào tuần này đối với những người sống tại các viện dưỡng lão, người trên 75 tuổi và các trường hợp suy giảm miễn dịch.
Ông Jean-Francois Delfraissy, Chủ tịch Ban cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp, đã đưa ra cảnh báo về các biến thể tiềm tàng có thể xuất hiện vào mùa Thu năm nay, hoặc thậm chí sớm hơn. Không một nhà khoa học nào biết trước được liệu biến thể đó có dễ lây truyền hơn, có độc lực lớn hơn và có thể né tránh miễn dịch được tạo ra từ việc tiêm vaccine hay không.
Tại Mỹ, Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tính đến ngày 19/3, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron chiếm gần 35% số ca mắc mới tại nước này. CDC cho hay số ca lây nhiễm tại Mỹ đã giảm mạnh sau khi đạt mức kỷ lục hồi tháng 1 vừa qua trong bối cảnh nhiều nước châu Á và châu Âu đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch do dòng phụ BA.2.
Tại Nhật Bản, chính phủ đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/1 năm nay, không có địa phương nào ở Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Song song với đó, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhằm bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời củng cố hệ thống y tế, tăng cường năng lực xét nghiệm và dự trữ thuốc để chuẩn bị đối phó với các làn sóng lây nhiễm khác trong tương lai. Bên cạnh đó, theo Đài truyền hình NHK, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ khuyến khích việc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng ở các nhà hàng, quán bar, các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn và hoạt động đi lại.
Tính đến nay, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 6.109.659 ca mắc COVID-19, tương đương 4,86% dân số nước này. Số người tử vong do mắc COVID-19 là 27.138, tương đương 0,45% số người mắc COVID-19, khá thấp so với nhiều nước khác cho dù Nhật Bản có tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) cao nhất trong số các nước phát triển.
Theo THANH HƯƠNG (TTXVN)