Thế giới ghi nhận 253,8 triệu ca mắc, 5,1 triệu ca tử vong do COVID-19

15/11/2021 - 07:39

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 21h30' ngày 14-11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 253.818.333 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.113.591 ca tử vong.

Tổng số ca đã khỏi bệnh là 229.519.564 và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.185.178 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 77.590 và 77.597 ca nguy kịch.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thanh Hải, Trung Quốc ngày 8/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại một số nước, nhất là khi mùa Đông đang đến gần. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cảnh báo khi mùa Đông bắt đầu và nhiệt độ xuống thấp, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 kết hợp với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm sẽ tăng rất nhanh.

Người phát ngôn NHC Mễ Phong tuyên bố Trung Quốc cam kết theo đuổi chiến lược "Zero COVID" và sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực phòng ngừa tại các thành phố cảng để kiểm soát số ca nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài và tiếp tục thúc đẩy việc tiêm chủng quy mô lớn.

Trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận 89 ca mắc mới COVID-19, gồm 70 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 19 ca nhập cảnh. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng công 98.263 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Nga ghi nhận 1.219 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay lên 255.386 ca. Trước đó, ngày 13/11, Nga ghi nhận 1.241 ca tử vong - cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Như vậy, tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Nga hiện nay nhiều thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Nga cũng ghi nhận 38.823 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 9.070.674 ca, nhiều thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Anh.

Tại Áo, trong bối cảnh số ca mắc mới cao chưa từng thấy, Thủ tướng Alexander Schallenberg thông báo từ ngày 15/11 nước này bắt đầu áp dụng phong tỏa trên toàn quốc đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc người mới khỏi bệnh trong thời gian gần đây. Thủ tướng Áo nhấn mạnh tình hình dịch bệnh hiện nay rất "nghiêm trọng", do đó biện pháp phong tỏa trên là cần thiết.

Theo đó, những người trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc mới khỏi bệnh gần đây sẽ không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi mua đồ thiết yếu, tập thể dục hoặc có các lý do về y tế. Bộ trưởng Y tế Wolfgang Mueckstein cho biết trong 10 ngày đầu thực hiện phong tỏa sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các khu vực, sau đó, cơ quan chức năng sẽ đánh giá tình hình để có sự điều chỉnh phù hợp.

Cũng từ ngày 15/11, Vienna sẽ trở thành khu vực đầu tiên trong EU triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô này. Chính quyền thành phố cho biết đã tiếp nhận lịch hẹn tiêm chủng của hơn 5.000 trẻ khi cổng đăng ký bắt đầu được mở vào ngày 13/11. Hiện Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa cấp phép sử dụng bất kỳ loại vaccine nào để tiêm phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này, song các nước thành viên EU vẫn có quyền tự quyết trong trường hợp y tế công cộng khẩn cấp.     

Tại châu Phi, Maroc thông báo các biện pháp kiểm soát nhập cảnh vào nước này. Theo đó, người nhập cảnh phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng và kết quả xét nghiệm PCR. Các du khách sẽ phải tiến hành xét nghiệm kháng nguyên và kiểm tra đo thân nhiệt hai lần bằng camera ảnh nhiệt. Người có kết quả xét nghiệm dương tính khi nhập cảnh Maroc bắt buộc phải trở lại nước xuất phát với chi phí do hãng hàng không hay công ty vận tải thanh toán. 

Tại Đông Nam Á, Lào thông báo ghi nhận 985 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số lên 54.192 ca. Trong tuyên bố, Bộ Y tế Lào nêu rõ tuy số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống mức 3 con số nhưng vẫn ở mức cao; trong đó có tới 981 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. 

Bộ Y tế Lào cũng cho biết nước này ghi nhận thêm 3 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 99 người. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, Lào đã ghi nhận 34 ca tử vong vì COVID-19. Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng.

Với tỷ lệ người dân đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đạt gần 88%, Campuchia đã quyết định chấm dứt cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, song vẫn áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người nhập cảnh chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 55 ca nhiễm mới qua xét nghiệm PCR và 6 ca tử vong (trong đó 4 ca chưa tiêm vaccine). Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 119.536 ca nhiễm và 2.867 ca tử vong. Tính đến ngày 13/11, Campuchia đã tiêm phòng COVID-19 cho 87,82% trên tổng số 16 triệu người dân nước này.

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày đang giảm, Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở lại các cửa khẩu ở vùng cực Nam của nước này vào ngày 16/12 tới nhằm thúc đẩy du lịch. Ngành du lịch Thái Lan kỳ vọng số lượng khách quốc tế sẽ đạt mức 10-15 triệu lượt vào năm 2022 cùng với 160 triệu chuyến đi nội địa, tạo ra tổng doanh thu 1.500 tỷ baht (45,7 tỷ USD), tương đương 50% doanh thu của năm 2019.

Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng mới cho năm 2021, theo đó trước cuối năm nay có 80% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 70% tiêm đủ hai mũi.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 đang bắt đầu mang lại thành quả nhờ sự hợp tác của tất cả các bên cũng như việc thực hiện  hiệu quả các chiến lược phòng chống dịch bệnh. Theo Thủ tướng Malaysia, với chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19,  tính đến ngày 2/11, hơn 95% dân số trưởng thành và hơn 66% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi ở nước này đã tiêm chủng.

Đây là một nhân tố làm thay đổi và là chất xúc tác để vực dậy nền kinh tế với sự mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội, bao gồm cả việc đi lại giữa các bang. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và chuẩn bị các biện pháp để bảo vệ người dân và nền kinh tế của đất nước.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến dịch phòng, chống COVID-19 của Australia cũng đang phát huy hiệu quả, khi nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức thấp nhất trong nhiều tuần trở lại đây, với 1.115 ca mắc mới trong cộng đồng và 5 ca tử vong.

Phát biểu trên kênh truyền hình Australian Broadcasting Corporation (ABC), Bộ trưởng Y tế Greg Hunt nêu rõ Chính phủ Australia sẽ không thay đổi định nghĩa về việc "tiêm phòng đầy đủ", trong bối cảnh nước này thúc đẩy tiêm mũi vaccine tăng cường. Ông nhấn mạnh ở giai đoạn hiện nay, theo khuyến nghị từ Nhóm Cố vấn Khoa học và Kỹ thuật, người được coi là tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 là người đã tiêm 2 mũi vaccine.

Theo NGỌC HÀ (TTXVN)