Các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Munchen Klinik Schwabing, Munich, Đức, ngày 12-11-2021. (Ảnh: Reuters)
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 14-11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 256.669.643 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.110.508 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đạt 229.376.993 người, trong khi còn 19.182.142 bệnh nhân đang được điều trị.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Trong 24 giờ qua, có thêm 426.266 ca mắc COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó chỉ riêng châu Âu đã có tới 278.420 ca mắc mới, chiếm tới hơn 65%.
Châu lục này cũng có tới 4 nước nằm trong nhóm có ca nhiễm mới cao nhất thế giới trong ngày, với Nga đứng thứ hai (39.256 ca), chỉ kém 1 chút so với Mỹ dẫn đầu (41.107 ca). Anh đứng thứ ba với 38.351 ca, tiếp theo là Đức 35.276 ca và Ukraine 23.572 ca.
Nga cũng tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca tử vong mới, với 1.241 người không qua khỏi trong ngày - cũng là mức cao kỷ lục mới của nước này, tiếp theo là Ukraine 695 ca và Mỹ 506 ca.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Hiện châu Âu đang có tổng số ca mắc đứng thứ hai thế giới với 67.961.656 ca, sau châu Á 80.620.058 ca. Song xét về số ca tử vong, lục địa già đứng đầu với 1.350.115 người không qua khỏi, tiếp theo là châu Á với 1.189.842 ca, Nam Mỹ là 1.175.624 ca và Bắc Mỹ là 1.169.892 ca.
Trong bối cảnh châu Âu đang một lần nữa trở thành tâm dịch COVID-19, nhiều nước trong khu vực phải cân nhắc tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trước Giáng Sinh.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đi tiêm phòng trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm hằng tuần tại Đức đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch.
Theo số liệu của Viện Robert Koch, tỷ lệ lây nhiễm hàng tuần trên 100 nghìn dân ở Đức trong tuần qua đã lên tới 277,4 ca, trong khi mức cao nhất trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 hồi tháng 12-2020 là 197,6 ca.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Chính phủ Đức và lãnh đạo của 16 bang trên cả nước sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận các biện pháp siết chặt phòng dịch, dù 3 đảng đang tham gia đàm phán thành lập chính phủ mới đã nhất trí duy trì tình trạng khẩn cấp từ đầu dịch đến ngày 25-12 theo đúng kế hoạch.
Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố siết chặt các quy định phòng chống dịch trong 3 tuần, đối với bệnh viện, các cửa hàng, địa điểm tập luyện thể thao nhằm ngăn chặn 1 đợt lây nhiễm kỷ lục.
Italia vừa công bố báo cáo giám sát dữ liệu COVID-19 mới nhất, trong đó cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 của nước này đã tăng lên 78 ca trên 100 nghìn dân trong tuần kết thúc vào ngày 11-11, so với 53 ca-100 nghìn người hồi tuần trước. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị cũng tăng 6,1%, và số bệnh nhân nặng phải cấp cứu tăng 4,4%.
Với hàng triệu người dân Italia vẫn chưa tiêm vaccine, các chính trị gia và chuyên gia y tế nước này cho rằng cần phải tăng tỷ lệ người đã tiêm vaccine để có thể giảm số ca lây nhiễm và bệnh nặng.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong những ngày gần đây. Tính tới hết ngày 13-11, các nước ASEAN ghi nhận 27.679 ca mắc mới COVID-19 và 294 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.581.582 ca và 284.142 ca tử vong. Toàn khối có 12.879.780 bệnh nhân đã bình phục.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên giao hàng tại thành phố Quezon, Metro Manila, Philippines, ngày 13-8-2021. (Ảnh: Reuters)
Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây. Chỉ còn Philippines chứng kiến số ca tử vong vẫn ở mức cao, trong ngày 13-11 lên tới 238 ca, trong khi diễn biến dịch vẫn phức tạp tại Malaysia, với ca nhiễm mới khoảng 5.000-6.000 ca mỗi ngày. Từ một điểm nóng của khu vực và thế giới, diễn biến dịch tại Indonesia đã giảm rất mạnh. Trong ngày 13-11, Indonesia ghi nhận 359 ca nhiễm mới và 16 ca tử vong mới.
Tại Hàn Quốc, ngày 13-11, số ca nhiễm mới tiếp tục ở mức trên 2.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp trong khi số ca bệnh nặng đã lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi bùng phát dịch.
Hàn Quốc đang trong bước đầu tiên của lịch trình "sống chung với COVID-19" gồm 3 giai đoạn nhằm từng bước trở lại bình thường mới, với việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong tháng này. (Ảnh: Reuters)
Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã ghi nhận 2.325 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 393.042 ca. Số ca nhiễm mới theo ngày luôn ở mức 4 con số kể từ ngày 7-7, trong đó cao nhất là 3.272 ca ghi nhận ngày 25-9.
Nước này cũng ghi nhận 32 ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ làn sóng lây nhiễm thứ tư bắt đầu vào tháng 7, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 3.083 ca. Số ca nguy kịch cũng lên mức cao chưa từng thấy ở nước này là 485 ca sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 ca vào ngày 6-11 kể từ giữa tháng 8. Đáng chú ý, khoảng một nửa số ca nhiễm mới trên cả nước trong 2 tuần qua là những người đã tiêm vaccine.
Theo TRUNG HƯNG (Báo Nhân Dân)