Thế giới ghi nhận hơn 5 triệu ca tử vong vì Covid-19

31/10/2021 - 15:19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 45 phút sáng 31-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 5.010.059 ca tử vong do COVID-19.


Một bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại phòng khám Klinikum Darmstadt ở Darmstadt, Đức, ngày 20-5-2021. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã lên tới 247.114.753 ca. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 223.842.073 người.

Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tăng cao hơn so với số ca khỏi bệnh, lần lượt tăng 381.984 ca và 320.558 ca. Trong ngày thế giới cũng ghi nhận thêm 5.943 ca tử vong mới.


Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch vẫn là Mỹ với 766.117 ca tử vong trong tổng số 46.799.970 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 458.219 ca tử vong trong số 34.272.677 ca nhiễm. Brazil đứng thứ ba với 607.764 ca tử vong trong số 21.804.094 ca nhiễm.

Ngày 30-10, Nga có thêm 40.251 ca mắc mới COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Nước này cũng ghi nhận thêm 1.160 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 237.380 ca (cao nhất châu Âu) trong tổng số 8.472.797 ca mắc.


Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Cùng ngày, tại Đông Nam Á, Philippines có thêm 423 ca tử vong do COVID-19, vượt kỷ lục 401 ca ghi nhận ngày 9/4, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 43.044 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 4.008 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay lên 2.783.896 ca. Philippines hiện là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.

Trong khi đó, ngày 30-10 là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc vượt hơn 2.100 ca trong bối cảnh nước này sắp nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để trở lại tình trạng bình thường mới.

Cụ thể, Hàn Quốc có thêm 2.103 ca mắc mới, trong đó có 2.089 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 362.639 ca. Hàn Quốc cũng có thêm 13 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong đến nay lên 2.830 ca.

Số ca bệnh gia tăng làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới trong bối cảnh Hàn Quốc ngày 1/11 sẽ nới lỏng một loạt biện pháp phòng chống dịch để chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Nhằm hỗ trợ các nước trong công tác chống dịch, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Berlin sẽ tiếp tục giữ cam kết hỗ trợ 175 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước nghèo cho tới năm 2022.

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome ngày 30-10, bà Merkel nhấn mạnh sau cam kết hỗ trợ 100 triệu liều vaccine theo kế hoạch trong năm 2021, Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 75 triệu liều vaccine cho các nước nghèo vào năm 2022.

Bộ Y tế Mexico ngày 30-10 cho biết, nước này đã nhận được gần 6 triệu liều vaccine AstraZeneca trong bối cảnh chính phủ đang đẩy mạnh triển khai tiêm chủng cho toàn dân, trong đó có trẻ em.

Theo công bố trên trang web của bộ trên, lô hàng 5.993.700 liều này là lô vaccine lớn thứ hai sau gần 6,5 triệu liều vaccine Sputnik V mà Mexico đã nhận được.

Mexico đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 56 triệu người, tức khoảng hơn 43% dân số, theo dữ liệu của Our World in Data.

Chính phủ nước này hiện vẫn chưa tiến hành tiêm chủng rộng rãi cho trẻ em, ngoại trừ khoảng 1 triệu người trong độ tuổi từ 12 đến 17 được coi là có nguy cơ cao.

Ngoài ra, Bộ Y tế Mexico trong ngày đã báo cáo 3.478 ca nhiễm mới và 325 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong bởi đại dịch tại Mexico lên 288.276 người trên tổng số 3.805.765 ca mắc.

Ngày 30-10, Bộ Nội vụ Jordan thông báo kể từ ngày 15-11, các lao động nước ngoài không tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị trục xuất khỏi quốc gia Trung Đông này.

Bộ trên cũng cho biết người lao động nước ngoài được tiêm miễn phí và không cần trình thẻ cư trú hay giấy phép lao động. Cho đến nay, trên 3,5 triệu người trong tổng số 10 triệu dân ở Jordan đã hoàn thành tiêm chủng. Quốc gia vùng Vịnh này đã ghi nhận 860 nghìn ca mắc và hơn 11 nghìn ca tử vong.

Theo TRUNG HƯNG (Quân đội nhân dân)