Thế giới ghìm cương lạm phát bằng cách nào và giải pháp của Việt Nam?

18/04/2023 - 14:13

Hiện nay, các nước đang nỗ lực hạ nhiệt lạm phát, trong đó Việt Nam vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời coi đó là nhiệm vụ cấp bách trong năm 2023 và những năm sau.

Thực phẩm được bày bán tại một khu chợ ở Bonn, Đức. (Ảnh: NUR Photo/TTXVN)

Lạm phát trên thế giới đang từng bước hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh trong nhiều thập kỷ, thậm chí lên tới hai chữ số ở nhiều nền kinh tế.

Thời gian qua để đẩy lui lạm phát các ngân hàng trung ương đã phải mạnh tay triển khai chiến dịch thắt chặt tiền tệ chưa từng có, trong đó dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Đến thời điểm này áp lực lạm phát đã phần nào dịu bớt, song tỷ lệ vẫn còn cao, buộc các nước phải có chiến lược ứng phó trước nguy cơ giá cả leo thang, đe dọa đà phục hồi còn mong manh của kinh tế thế giới.

Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu sẽ về đâu?

Trong tháng 2/2023, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, của Mỹ tăng 0,5% so với tháng 1/2023 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI tổng thể cũng tăng 0,4% trong tháng 2/2023 và 6% so với một năm trước đó.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 31/3 cho biết chi tiêu của các hộ gia đình tăng 0,2% (sau điều chỉnh) trong tháng 2/2023 so với tháng trước đó. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức tăng 2% sau điều chỉnh của tháng 1/2023.

Lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người Mỹ. Khi được điều chỉnh theo giá tăng, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ trong tháng 2/2023 đã giảm 0,1% so với tháng trước đó, sau khi tăng 1,5% trong tháng 1/2023.

Trong khi đó, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 3/2023 "giảm tốc" còn 6,9%, khi giá năng lượng giảm 0,9%, sau khi tăng 13,7% trong tháng 2/2023.

Trong bối cảnh lạm phát cao, doanh số bán lẻ tại Eurozone chỉ tăng 0,3% trong tháng 1/2023, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. So với trước đó một năm, doanh số bán lẻ tại 20 quốc gia Eurozone đã giảm 2,3%, nhu cầu tiêu dùng đang rất yếu.

Tại Nhật Bản, CPI lõi trong tháng 2/2023 tăng 3,1%, giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ, nhờ các trợ cấp của chính phủ về giá các mặt hàng cơ bản. Tuy nhiên, giá thực phẩm vẫn tăng, có thể ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của các hộ gia đình.

Với Trung Quốc, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS), lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 2/2023 giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch và chi tiêu mạnh dịp Tết Nguyên đán. Trung Quốc ít chịu tác động từ việc giá cả tăng mạnh trên toàn cầu cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine.

Lạm phát dù hạ nhiệt vẫn ở mức cao cho thấy nỗ lực chống lạm phát của Fed chưa thể kết thúc. Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát của Fed tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thách thức đối với Fed hiện nay là làm thế nào để kiềm chế lạm phát vẫn ở mức quá cao mà không gây ra những rủi ro về ổn định tài chính sau sự sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed tin rằng có thể chỉ cần thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay để đẩy lùi lạm phát. Nhưng sang năm tới, Fed sẽ ít nới lỏng chính sách tiền tệ hơn so với mức mà hầu hết giới quan sát từng nhận định là phù hợp.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy lạm phát tính theo biện pháp ưu tiên của Fed sẽ giảm xuống 3,3% trong quý cuối cùng của năm nay. Tốc độ hướng tới mục tiêu lạm phát 2% của Fed đang chậm hơn so với dự kiến vào tháng 12 năm ngoái.

Nhiều đánh giá vẫn lo ngại về khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5/2023, song việc giữ nguyên mức lãi suất hiện tại được cho là có khả năng xảy ra nhất.

Trong khi đó, mặc dù giảm so với mức đỉnh 10,6% trong tháng 10/2022, lạm phát tại Eurozone vẫn vượt xa mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.

Trong bài phát biểu ngày 24/3, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel cho rằng trong cuộc chiến chống lạm phát, ECB không nên từ bỏ sớm việc tăng lãi suất.

Theo ông Nagel, thời gian qua, ECB đã thực hiện một bước ngoặt chưa từng có trong chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Chỉ trong vòng chín tháng từ tháng 7/2022, ECB đã 6 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng là 350 điểm cơ bản. Nhưng hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone vẫn còn cách rất xa mục tiêu 2% của ECB. Do đó cần phải giữ mức lãi suất đủ cao trong thời gian cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả lâu dài.

Lạm phát tại Nhật Bản cũng cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt ra trong gần 1 năm, đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương này vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với sức ép phải rút lại chính sách kích thích tiền tệ.

BoJ cho biết lạm phát tăng chỉ mang tính tạm thời, vì phụ thuộc vào chi phí nhập khẩu tăng. Ngân hàng dự báo CPI lõi sẽ dưới mục tiêu 2% trong năm nay. BoJ đặt mục tiêu lạm phát ổn định đi kèm với tăng trưởng lương mạnh mẽ.

Với Trung Quốc, các nhà kinh tế nhận định giá tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng tới, khi nước này đẩy lùi được dịch và chi tiêu trở lại bình thường.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 6/4 cho rằng các ngân hàng phải tiếp tục chống lạm phát trong điều kiện khó khăn và phức tạp hơn. Theo bà, các ngân hàng trung ương vẫn cần ưu tiên cho cuộc chiến chống lạm phát và nhờ đó đảm bảo sự ổn định tài chính thông qua nhiều công cụ.

Bà nhấn mạnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, đồng thời cảnh báo sự giảm tốc ở gần như tất cả các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới được cho là sẽ kéo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu xuống dưới 3% trong năm nay.

Các ngân hàng trung ương “đeo đuổi” con đường tăng lãi suất

Sự sụp đổ nhanh đến không ngờ của một số ngân hàng lớn tại Mỹ, đặc biệt là hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) đã ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tại cuộc họp chính sách hai ngày từ 21-22/3, Fed đã nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, lên 4,75-5%.

Trong một năm qua, Fed ưu tiên cho cuộc chiến chống lạm phát, vốn ở mức cao kỷ lục 40 năm, bằng việc thực hiện liên tiếp chín đợt tăng lãi suất từ mức gần bằng 0.

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/3  tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, đồng thời đánh tín hiệu cho thấy ECB sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng nếu cần.

Một số tổ chức đầu tư, doanh nghiệp đã đặt câu hỏi liệu Chủ tịch ECB Christine Lagarde có tiếp tục thực hiện động thái tăng lãi suất hay không, trước những cú sốc gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.

ECB cho biết đang theo dõi sát sao những căng thẳng trên thị trường hiện nay và sẵn sàng ứng phó khi cần thiết để duy trì sự ổn định giá cả và ổn định tài chính trong Eurozone. ECB nhấn mạnh lĩnh vực ngân hàng của Eurozone có khả năng phục hồi tốt nhờ vị thế vốn và thanh khoản cao.

Hài hòa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát

Nền kinh tế Việt Nam bước qua quý 1/2023 với nhiều khó khăn hơn dự kiến trong bối cảnh lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới tuy có hạ nhiệt nhưng còn cao; ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ thắt chặt, cuộc chiến Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, mức lạm phát cơ bản quý đầu năm của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp và dự kiến năm 2023 sẽ giữ trong mục tiêu 4,5% mà Quốc hội đặt ra.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý đầu tiên của năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức phù hợp, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, tính chung quý 1 tăng 4,18%.

Người dân mua hàng tại một siêu thị. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết trong quý 1 năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia, lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng chậm lại tuy vẫn ở mức cao đã tác động đến giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới.

Trong bối cảnh đó, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định.

Tuy nhiên, diễn biến lạm phát trong quý 1/2023 vẫn trong kịch bản dự báo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, mức tăng phù hợp với xu hướng biến động của giá cả theo quy luật chung, qua đó thể hiện nỗ lực của bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp triển khai các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá nhằm bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra cả năm ở mức khoảng 4,5%.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận việc Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá so với các nước trên thế giới qua giảm lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 15/3/2023 khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ thanh khoản, xử lý câu chuyện thiếu vốn của khu vực doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 0,3-0,5% có tác động tạo tâm lý kỳ vọng tích cực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam không nên chủ quan với lạm phát, vì hiện CPI của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát...

Nhận thức rõ vấn đề này, chính Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong quý 1; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm pháttrong bối cảnh cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp khẩn trương nắm bắt cơ hội, gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, giá cả để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch cả năm giải ngân được 95% tổng vốn 711.700 tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ USD.

Về phía Bộ Tài chính, để giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm, Bộ này sẽ thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, các chính sách về tài khóa, tiền tệ, quản lý, điều hành, bình ổn giá kết hợp với các giải pháp kinh tế vĩ mô khác. Đồng thời, bộ cập nhật các kịch bản lạm phát làm cơ sở điều hành giá đảm bảo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.

Về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện các thủ tục giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua trong tháng 5/2023; triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

Đối với các biện pháp quản lý, điều hành giá, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Theo TTXVN