Bị đứt cung, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu 288 nghìn tấn điều nhân, thu về 1,55 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hạt điều xuất khẩu tăng mạnh 30,6% về lượng và tăng 19,3% về giá trị.
Năm ngoái, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 644 nghìn tấn, giá trị 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng hơn 18% về trị giá so với năm 2022. Theo đó, ngành điều Việt Nam duy trì vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu trong nhiều năm liên tiếp.
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - dự báo, xuất khẩu điều sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao, hướng tới mốc kỷ lục mới là 3,8 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, chiều tối 31/5, trong buổi gặp gỡ báo chí thông tin về ngành điều, ông Nguyễn Minh Họa - Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - cho biết, gần đây Vinacas nhận được phản ánh của các hội viên về việc không nhận được đầy đủ nguyên liệu từ đối tác là các nước Tây Phi trước tình hình giá điều thô tăng mạnh.
Việt Nam nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn điều thô mỗi năm, trong đó nguồn cung từ châu Phi khoảng 2,2 triệu tấn (chủ yếu là Tây Phi). Đáng chú ý, giá điều thô Tây Phi đang tăng lên từng ngày. Tháng 2 năm nay, giá điều thô chỉ từ 1.000-1.050 USD/tấn, nay đã lên tới 1.500-1.550 USD/tấn. Nguyên nhân vì khu vực này đang mất mùa, một số nước áp dụng chính sách tạm ngừng xuất khẩu điều thô để hỗ trợ các nhà máy nội địa.
Do đó, các nhà xuất khẩu tìm cách trì hoãn giao hàng, đòi hỗ trợ tăng giá. Theo thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 50% lượng hàng được giao theo hợp đồng đã ký.
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn I, cho hay, công ty ký hợp đồng mua 52.000 tấn điều thô Tây Phi nhưng chỉ nhận được 25.000 tấn đúng giá, "bị xù" khoảng 12.000 tấn. Phần còn lại công ty phải chấp nhận giá tăng để lấy hàng về sản xuất.
Các lô điều đang đi trên biển còn được chào hàng với giá cao hơn, nhưng một số nhà chế biến vẫn phải mua để có đủ nguyên liệu thực hiện đúng hợp đồng sản xuất với khách hàng, Vinacas thông tin.
Hiện một số nhà máy sản xuất điều của nước ta đứng trước tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Bởi nhiều lô hàng điều thô về muộn hoặc số lượng điều về ít hơn hợp đồng đã ký.
Theo ông Họa, khi mua điều thô các doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng xuất khẩu điều nhân tương ứng với giá nguyên liệu. Thế nhưng, với tình hình biến động giá nguyên liệu hiện tại, từ cuối quý III/2024 sẽ xảy ra nhiều vụ tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt với các nhà nhập khẩu. Bởi giá thành tăng cao, nhiều đơn vị không có khả năng thực hiện hợp đồng đã ký.
Nguyên liệu nhập khẩu tới 90%
16 năm qua, Việt Nam liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân chế biến. Tuy nhiên, khoảng 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành điều Việt Nam là hàng nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia. Nguồn nguyên liệu nội địa của nước ta khá khiêm tốn do diện tích trồng bị thu hẹp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,77 triệu tấn hạt điều, giá trị đạt 3,19 tỷ USD trong năm 2023. So với năm 2022, nhập khẩu hạt điều tăng 46,2% về lượng và tăng 19,6% về trị giá.
Mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu là hạt điều tươi chưa bóc vỏ.
Có 5 thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam, gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó, hạt điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 54,7% tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành điều trong năm 2023.
Tuy nhiên, Việt Nam đã giảm nhập từ Campuchia và Tanzania, tăng nhập từ Bờ Biển Ngà, Nigeria và Ghana.
Năm nay, tính đến hết tháng 4, nước ta nhập khẩu 1,063 triệu tấn điều thô, giá trị lên đến 1,322 tỷ USD, tăng lần lượt 32% và 23,1% so với cùng kỳ. So với con số 1,16 tỷ USD xuất khẩu, ngành điều Việt Nam tiếp tục nhập siêu.
Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành hàng này gặp rủi ro nhiều hơn. Cảnh báo này đã được đề cập rất nhiều lần trước đó.
Mấy năm gần đây, chủ trương của các nước trồng điều châu Phi và Campuchia là phát triển công nghiệp chế biến nội địa, giảm dần xuất thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Với điều thô xuất khẩu, họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu; áp mức thuế suất xuất khẩu cao. Trái lại, họ miễn thuế cho điều nhân xuất khẩu.
Tại đại hội Hiệp hội Điều Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, Vinacas lo ngại vị trí dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu của Việt Nam bị lung lay và chắc chắn sẽ mất nếu chúng ta không thay đổi.
Trước đây, thị trường điều nhân thế giới chủ yếu được cung cấp bởi Việt Nam và Ấn Độ, trong đó Việt Nam chiếm hơn 80%. Nhưng gần đây đã nổi lên các nguồn cung khác, nhất là từ một số nước ở châu Phi, khiến thị phần hạt điều Việt Nam trên thị trường toàn cầu giảm.
Vinacas sợ rằng, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy FDI, sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa của nước ta bị phá sản, tiến tới chiếm lĩnh thị trường điều nhân thế giới.
Lãnh đạo Vinacas cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động nguồn cung nguyên liệu. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích, có thể hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và phía nam của Lào, bao gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt cho nước bạn. Sau đó, các doanh nghiệp nhập nguồn điều thô này về Việt Nam chế biến.
Theo Vietnamnet