Thêm bản án của “bà trùm buôn lậu” Mười Tường

17/01/2024 - 05:49

 - Trong giới kinh doanh mua bán, Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) được xem là người có tiếng nói. Bởi ngoài những mối quan hệ xã hội, Hạnh còn có nhiều mưu lược, thủ đoạn trong mua bán, trở thành “bà trùm” trong lĩnh vực buôn lậu. Kim Hạnh mang cả chục bản án về tội “Buôn lậu”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”… hàng chục năm tù.

Các vụ án có liên quan đến Hạnh, gồm: Vụ “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra ngày 24/6/2019 tại khu vực khóm Vĩnh Chánh 1; buôn lậu 51kg vàng xảy ra ngày 30/10/2020 tại khu vực tổ 7, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc); vận chuyển trái phép 80 tấn đường cát xảy ra ngày 24/12/2012 tại xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu); buôn lậu đường cát xảy ra ngày 23/12/2018 tại Kênh Ruột, xã Phú Hội (huyện An Phú).

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh tiếp tục xác định vụ án trốn thuế xảy ra từ năm 2010 - 2020 tại Công ty TNHH MTV XNK Hạnh Phát, Công ty TNHH TM Huỳnh Phát Đạt, Công ty TNHH TM Bình Kim An, Công ty TNHH XNK Thiên Sứ, Hộ kinh doanh Hạnh Phát và Hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng Út; vụ án rửa tiền xảy ra từ năm 2012 - 2020 đều có liên quan đến Hạnh và Nguyễn Văn Võ (sinh năm 1968, ngụ xã Bình Thủy, huyện Châu Phú), Nguyễn Văn Sang (sinh năm 1970, ngụ phường Long Thạnh, TX. Tân Châu).

Bị cáo Hạnh, Sang và Võ tại phiên tòa 

Từ năm 2009 - 2020, Hạnh đã thành lập 4 công ty trách nhiệm hữu hạn, 2 hộ kinh doanh do Hạnh và người làm công của Hạnh đứng tên đại diện đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực (chủ yếu là mua bán đường). Số lượng đường do Hạnh trực tiếp mua, vận chuyển từ Campuchia đem về Việt Nam tiêu thụ.

Trong đó, Hạnh đứng tên các Công ty TNHH MTV XNK Hạnh Phát (gọi tắt Công ty Hạnh Phát); Công ty TNHH XNK Thiên Sứ; Công ty TNHH Thương mại Huỳnh Phát Đạt (Trần Văn Phương, Nguyễn Thị Bé Em là người làm thuê cho Hạnh, đứng tên giám đốc); Công ty TNHH TM Bình Kim An (Lê Thị Bạch Vân, người làm thuê cho Hạnh làm giám đốc).

Các công ty trên hoạt động theo hình thức khai báo thuế khấu trừ. Hộ kinh doanh Hạnh Phát do Hạnh nhờ Nguyễn Thanh Thọ (cháu Hạnh) đứng tên, từ tháng 5/2019 do Mai Thị Ngọc Phấn (người làm thuê của Hạnh) đứng tên. Hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng Út, do Nguyễn Hoàng Út (em ruột của Hạnh), Nguyễn Phước Lộc (người làm thuê của Hạnh) đứng tên, đổi thành Hộ kinh doanh Lộc Phát. Cả 2 hộ kinh doanh hoạt động theo hình thức khai báo thuế khoán.

Quá trình điều tra xác định: Với danh nghĩa Công ty Hạnh Phát và Hộ kinh doanh Hạnh Phát, Nguyễn Thị Kim Hạnh bán đường cho 20 khách hàng, tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng. Hạnh kêu những người làm công (Nguyễn Tường Cẩm Tú, Trần Nguyễn Bảo Thúy, Mai Thị Ngọc Phấn, Nguyễn Phạm Khắc Tường, Phạm Thanh Sang…), Huỳnh Bá Kiệm (chồng Hạnh), Nguyễn Thị Kim Xuyến (chị của Hạnh), Nguyễn Thị Kim Thúy và Nguyễn Hoàng Út (em Hạnh) đứng tên mở tài khoản ngân hàng, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản nêu trên, mà không chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế. Đồng thời, khi mua bán đường, Hạnh không lập sổ kế toán, không xuất hóa đơn, kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra.

Đối với Công ty Hạnh Phát, doanh thu đã khai báo thuế hơn 104 tỷ đồng, trong khi doanh thu thực tế hơn 2.900 tỷ đồng, chênh lệch giảm không khai báo thuế gần 2.800 tỷ đồng. Đối với Hộ kinh doanh Hạnh Phát, giai đoạn do Hạnh đứng tên, doanh thu bán đường phèn, mật đường phèn hơn 125 tỷ đồng, nhưng chỉ khai báo thuế hơn 8,7 tỷ đồng.

Giai đoạn do Nguyễn Thanh Thọ đứng tên, doanh thu hơn 43 tỷ đồng, chỉ khai báo thuế hơn 3,3 tỷ đồng. Giai đoạn do Mai Thị Ngọc Phấn đứng tên, doanh thu hơn 22 tỷ đồng, khai báo thuế hơn 3,4 tỷ đồng. Căn cứ các kết luận giám định về thuế, xác định số tiền gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 755 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hạnh sử dụng nguồn tiền trốn thuế chuyển vào tài khoản ngân hàng của Võ hơn 3 tỷ đồng để Võ nuôi cá, gửi tiết kiệm; chuyển vào tài khoản của Sang gần 1,4 tỷ đồng để Sang... làm từ thiện, nhằm che giấu nguồn tiền bất hợp pháp. Cũng như những vụ án trước, quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Nhưng căn cứ vào lời khai của những người liên quan, người làm chứng, tài liệu giám định thuế, sao kê tài khoản ngân hàng cùng nhiều chứng cứ khác, đủ cơ sở chứng minh Hạnh thực hiện hành vi mua bán đường không lập sổ kế toán, không xuất hóa đơn khi bán hàng, kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra làm giảm số tiền thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước; đưa tiền trốn thuế này cho Võ và Sang.

Dù không thừa nhận tội, nhưng các bị cáo vẫn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Kết thúc phiên tòa, bị cáo Hạnh nhận 13 năm tù; Võ 11 năm tù và Sang 10 năm tù cùng về tội “Rửa tiền”,  phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng. Ngoài ra, xử phạt bị cáo Hạnh thêm 6 năm tù tội “Trốn thuế”, buộc giao nộp lại số tiền trốn thuế; bị cáo Võ, Sang cũng phải giao nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

NGUYỄN HƯNG