Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Ngày 5-5, Bộ Y tế Iran thông báo phát hiện 3 ca mắc đầu tiên mắc biến thể mới này, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn. Các ca trên nằm trong số những công dân Ấn Độ sinh sống ở Iran, đều tại tỉnh miền Trung Qom.
Tổ chức Y tế thế giói (WHO) trước đó đã cảnh báo biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ đã xuất hiện tại hàng chục quốc gia và được cho là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng mạnh tại quốc gia Nam Á này. Biến thể mới từ Ấn Độ là biến thể kép và cho tới nay WHO chưa khẳng định biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn và giảm hiệu quả vaccine hay không.
Iran đang đối phó với làn sóng dịch thứ 4 tại khu vực Trung Đông mà nguyên nhân được cho là do người dân di chuyển nhiều trong kỳ nghỉ Năm mới Ba Tư hồi tháng 3 vừa qua. Bộ trưởng Namaki nhận định Iran đã phần nào kiểm soát được đợt dịch lần này. Hiện phần lớn các thành phố đều bị xếp loại là vùng "đỏ" với việc các cửa hàng thiết yếu chỉ được phép mở cửa.
Iran ghi nhận 15.872 ca mắc mới và 349 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua. Cho tới nay, quốc gia vùng Vịnh này có tổng cộng 2.591.609 ca mắc, trong đó 73.568 ca tử vong.
Tương tự, Bộ Y tế Kenya thông báo phát hiện một trường hợp mắc biến thể mới tại Ấn Độ, chỉ vài ngày sau khi nước láng giềng Uganda cũng ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này. Theo Tiến sĩ Patrick Amoth thuộc Bộ Y tế Kenya, trường hợp mắc biến thể được phát hiện trong số các mẫu lấy từ những người Ấn Độ làm việc ở thành phố Kisumu, phía Tây Kenya.
Các ca mắc biến thể mới từ Ấn Độ tại Uganda xuất phát từ một du khách đến từ Ấn Độ mới đây. Hiện Kenya, Uganda, Tanzania và Rwanda đã tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ.
Theo số liệu thống kê, Kenya đã ghi nhận tổng cộng 161.393 trường hợp mắc COVID-19 và 2.825 ca tử vong, trong đó bao gồm 489 trường hợp mắc mới và 20 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Hiện Kenya xếp thứ 8 trong Top 10 quốc gia châu Phi ghi nhận số ca mắc nhiều nhất châu lục này, chỉ sau các quốc gia gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia, Ai Cập, Libya và Nigeria.
Trong khi đó, chuyên gia y tế Nam Phi dự đoán làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 tại nước này có thể xảy ra vào tháng 6, và có thể yếu hơn và ít tàn khống khốc hơn do tỷ lệ lây nhiễm trong các đợt dịch trước đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Hiệp hội mô hình COVID-19 Nam Phi (SACMC) thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NICD) cho hay các nghiên cứu triển khai vào tháng 1 và tháng 2 vừa qua cho thấy có thể khoảng 30 - 40% dân số nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
SACMC nhận định tùy thuộc vào mức độ phản ứng từ Chính phủ Nam Phi đối với sự gia tăng các ca nhiễm mới, số người tử vong trong đợt lây nhiễm thứ 3 ở nước này có thể dao động từ 7.800 đến 70.200 ca.
Các nhà khoa học của NICD nhận định mức tăng số ca tử vong trong đợt lây nhiễm thứ 2 phần lớn do sự xuất hiện của biến thể 501Y.V2 - lần đầu được phát hiện tại khu đô thị Vịnh Nelson Mandela thuộc tỉnh Đông Cape vào tháng 10 năm ngoái.
Đến hết ngày 5/5, Nam Phi ghi nhận 1.588.221 ca mắc COVID-19, đứng đầu châu Phi. Mức tăng trung bình số ca mắc mới trong 7 ngày gần nhất vào khoảng 1.200 ca, giảm sâu so với mức đỉnh gần 19.000 vào tháng 1 vừa qua.
Theo TTXVN