Nguồn kinh phí dự phòng cho hoạt động sản xuất phải trích ra để đầu tư thiết bị sản xuất "3 tại chỗ", chi phí xét nghiệm cho đội ngũ lưu thông hàng hóa, cả các chi phí về vận chuyển cho xuất khẩu,…khiến cho doanh nghiệp sản xuất trong nước khó cầm cự nếu không có nguồn trợ lực duy trì và phục hồi sản xuất.
Công ty TNHH MTV SIGMA (Long An) thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ". Ảnh: TTXVN
Doanh nghiệp muôn phần khó
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài ở khu vực phía Nam; trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Nhiều doanh nghiệp có vùng nguyên liệu sản xuất và văn phòng điều hành không ở cùng 1 địa phương cũng chịu tác động không nhỏ từ ảnh hưởng này.
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, khi 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề, người lao động không thể di chuyển đến nơi làm việc. Đặc biệt, là lực lượng lao động các ngành nghề đặc thù trong thu hoạch nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long có nhà ở không cùng địa phương với vùng nguyên liệu.
Thêm vào đó, người sản xuất hiện nay lại mua sắm vật tư theo phương thức gối đầu mùa vụ. Dịch COVID-19 làm cho mùa vụ thu hoạch chậm lại, kéo theo sản xuất chậm, hoàn trả vốn chậm, tái đầu tư sản xuất cũng sẽ chậm theo. Nhưng lịch mùa vụ, xuống giống không thể nghịch với thời tiết. Để có thể duy trì được đội ngũ lao động một cách hiệu quả nhất, doanh nghiệp cũng đã thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến".
Thế nhưng năng lực tài chính của doanh nghiệp có hạn, chi phí đầu tư quá tốn kém, để có thể duy trì sản xuất trong tình hình giãn cách xã hội, doanh nghiệp trong nước đang rất cần trợ lực từ phía các ngân hàng thương mại nói riêng, đặc biệt là chính sách trợ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước nói chung.
Đồng quan điểm với ông Võ Quan Huy, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cũng chia sẻ, việc đầu tư thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" đã khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng nỗ lực thực hiện để đảm bảo đơn hàng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trong trường hợp giãn cách kéo dài suốt gần 4 tháng qua, khiến nguồn lực của doanh nghiệp khó đáp ứng nổi.
Trước tình hình đó, các ngân hàng thương mại cũng đã đồng loạt triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Điển hình tại tỉnh Đồng Nai, các hệ thống ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV đã tiến hành giảm lãi suất cho khối khách hàng doanh nghiệp và khối khách hàng cá nhân. Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đồng Nai cho biết, hiện chi nhánh Vietcombank Đồng Nai đã giảm tối đa 1% lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Vietcombank chi nhánh Bạc Liêu cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng và đẩy mạnh tái đầu tư với tổng dư nợ cho vay đạt hơn 4.580 tỷ đồng, tăng trên 220.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Ngoài ra, giảm lãi vay gần 10 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Vietcombank tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các khoản vay mới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng của cả hệ thống Ngân hàng Vietcombank dự kiến lên tới 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền lãi Vietcombank hỗ trợ khách hàng trên toàn quốc cả năm 2021 khoảng 7.100 tỷ đồng.
Riêng Ngân hàng Agribank chi nhánh Đồng Nai cũng đã giảm tiếp tối đa lên đến 10% trên lãi suất cho vay đang áp dụng đối với toàn bộ dư nợ vay ngắn hạn, trung và dài hạn của khách hàng. Bao gồm: toàn bộ các khoản vay đã phát sinh cũng như khoản vay mới không áp dụng đối với khoản vay đã hưởng các chương trình ưu đãi khác, áp dụng rộng rãi tại các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc hệ thống Agribank tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, Agribank tỉnh Đồng Nai còn thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, gia hạn thời gian trả nợ gốc và lãi vay cho khách hàng, xem xét miễn giảm lãi tiền vay cho khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh…
Giảm lãi suất đến cuối năm 2021
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động thực hiện giảm lãi suất cho vay bằng nguồn lực của ngành. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng giảm là 1,5%-2%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6% - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi có kì hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn; qua đó, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi mở cửa trở lại.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Techcombank, Sacombank, BIDV, MB, Bưu điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, SeABank, SHB, HDBank, MSB, VPBank đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay 1% trên dự nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021, đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, với tổng số tiền lãi giảm hơn 20.600 tỷ đồng.
Theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021, sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Thông tư số 01, sửa đổi các mốc giới hạn thời gian khoản nợ được tái cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh dang diễn ra, như mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 1/8/2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2021 đến hết tháng 6/2021.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0%/năm, không cần có tài sản đảm bảo để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, quy mô 7.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội gần 400 tỷ đồng để trả lương cho hơn 112.000 lượt người lao động đang ngừng việc làm và đang trong giai đoạn sản xuất "3 tại chỗ", phục hồi sản xuất tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhìn nhận mức độ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua cho thấy Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn còn rất hạn chế; trong đó, các giải pháp hỗ trợ không nên chỉ là miễn, giảm, gia hạn thuế mà còn cả giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ hơn so với hiện nay.
Theo HỒNG NHUNG (Báo Tin Tức)