Thi đua “Dân vận khéo” ở xứ đạo

18/12/2020 - 04:00

 - Năm 2020, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Phú Tân (An Giang) thêm lan tỏa với nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả. Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội huyện chọn 72 tập thể và 52 cá nhân đăng ký thực hiện các mô hình với số tiền vận động 5,3 tỷ đồng trên các lĩnh vực. Kết quả có 18 tập thể và 15 cá nhân được UBND huyện khen thưởng với những thành tích nổi trội, là “điểm sáng” ở mỗi địa phương, đơn vị.

“Dân vận khéo” được xây dựng từ những việc làm cụ thể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, các ngành trong hệ thống chính trị đã vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất - kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Cùng với đó là tham gia đóng góp xây dựng các công trình công cộng, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp.

Nhân dân đã thực hiện bằng những việc làm cụ thể, như: đóng góp ngày công lao động, hiến đất, chuyển đổi cây trồng, làm các công trình… hình thành 6 mô hình nổi trội. Điển hình như các xã: Phú Thạnh, Phú Thành, Phú Hiệp, Hòa Lạc… vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái được gần 26ha.

Hai xã NTM Phú Lâm và Bình Thạnh Đông vận động nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao tưới nhỏ giọt, trồng dưa, rau trong nhà lưới, nhà màng, vùng sản xuất rau màu an toàn… giúp tăng doanh thu từ 100-120 triệu đồng/ha. Thực hiện các công trình trọng điểm xây dựng NTM các xã: Phú Hiệp, Phú Long, Hiệp Xương, Phú An vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng làm bê-tông đường cộ, đầu đường cộ giáp với đường giao thông chính, vừa phục vụ sản xuất, vừa vận chuyển hàng hóa nông sản. Từ sự chung tay tích cực, năm 2020, huyện Phú Tân có thêm 3 xã NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là 7 xã và xã Phú Bình đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phát huy thế mạnh trong nhân dân và tinh thần vì cộng đồng mạnh mẽ của bà con xứ đạo, công tác “Dân vận khéo” thu hút nhiều thành phần tham gia, có tính xã hội hóa cao, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái. Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, toàn huyện có 32 mô hình “Dân vận khéo”, tiêu biểu là: làm đường, nạo vét kênh mương, dặm vá đường, rải cát đá, nâng cấp sân chơi, trang bị dụng cụ tập thể dục… thực hiện tốt ở hầu hết các địa phương.

Bên cạnh đó, còn có mô hình đóng góp mua xe chuyển bệnh, lắp đặt hệ thống đèn led, đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng các tuyến đường về đêm. Các đoàn thể có mô hình: tổ phụ nữ công giáo xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ khuyến học công đoàn; trồng cây dược liệu cung cấp cho nhà thuốc nam; đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ phụ nữ bảo vệ môi trường, xây bể thu gom, xử lý bao, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật; tận dụng vật liệu đã qua sử dụng tạo cảnh quan sư phạm, phục vụ giảng dạy… tạo sức lan tỏa đều khắp. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình trong vận động nhân dân giúp hộ nghèo, hộ khó khăn ổn định chỗ ở, góp phần giảm nghèo xây dựng NTM, đảm bảo tình hình trật tự an toàn xã hội.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, khéo tuyên truyền và vận động nhân dân nên nhiều địa phương đã phát huy được tinh thần, trách nhiệm nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, thành lập đội dân phòng, tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh đã xây dựng được 12 mô hình, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Điển hình là việc đóng góp mua xe chữa cháy, trang bị bình phòng cháy, chữa cháy tại gia đình với tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng ở các xã: Long Hòa, Phú Lâm, Phú An, Phú Long và thị trấn Chợ Vàm. Mô hình lắp đặt Camera an ninh bằng hình thức xã hội hóa hiện đã có 13/18 xã, thị trấn triển khai, thực hiện 122 Camera và kết nối với hệ thống giám sát an ninh chung của huyện.

Các mô hình phát chứng minh nhân dân đến từng hộ gia đình, nhắn tin tình hình an ninh trật tự đến số điện thoại lãnh đạo công an, tổ tự quản 3 không (không ma túy - mại dâm, không vi phạm pháp luật, không vi phạm trật tự an toàn giao thông)… tiếp tục được nhân rộng. Thực tế cho thấy, việc thực hiện các mô hình này đã làm giảm đáng kể các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả, đảm bảo ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân an tâm lao động sản xuất.

Những kết quả từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể về vai trò, ý nghĩa của công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng, là động lực để mỗi tập thể, cá nhân và các tầng lớp nhân dân phấn đấu, tiếp tục đồng tình, hưởng ứng phong trào trong thời gian tới.

MỸ HẠNH