Học và thi cần đồng bộ với nhau
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Thi tốt nghiệp sẽ tổ chức thi theo môn. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng chỉ cần một bài thi tổng hợp, không để tình trạng "nhất bên trọng, nhất bên khinh" các môn học.
Theo ông Vinh, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp là bám vào việc đánh giá năng lực của người học (theo tinh thần của NQ 29). Ở giáo dục phổ thông, hiện đã đổi mới chương trình, dạy học từ truyền đạt nội dung sang việc hình thành năng lực, việc học và thi phải đồng bộ với nhau. Vì thế, cần có bài thi đánh giá năng lực tổng hợp mới thể hiện được tinh thần trên của Nghị quyết.
"Tại sao Bộ GD-ĐT không tổ chức thi đánh giá năng lực như một số ĐH đang tổ chức để có sự thống nhất tương đối chính sách thi cử, không gây ra những khó khăn cho học sinh và tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức thi của các ĐH?" - ông Vinh đặt câu hỏi.
Ông Vinh cho rằng việc tổ chức thi tốt nghiệp 6 môn vẫn khiến học sinh học lệch và các đại học xét tuyển từ kỳ thi này cũng bị lệch, bởi không xét được năng lực toàn diện của người học, không phù hợp với nhu cầu kỹ năng của học sinh trong tương lai.
"Chương trình dạy học tích hợp, nhưng thi lại không thấy thi nội dung tích hợp. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách dạy của giáo viên và mục tiêu dạy tích hợp bị mâu thuẫn. Thành ra, chương trình một đằng, sách giáo khoa một nẻo và thi kiểm tra đánh giá cũng thiếu sự đồng bộ cần thiết.
Kết quả thi môn Lịch sử tốt nghiệp THPT năm học qua là một minh chứng rất rõ điều này, tức là vẫn là câu chuyện dạy và học để thi mà không phải học để hình thành năng lực của người lao động tương lai".
Nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng: "Việc tổ chức thi như những năm qua đang làm méo mó mục tiêu giáo dục THPT, dẫn đến kiểu học lệch "nhất môn trọng, nhất môn khinh". Nên chăng, chỉ một bài thi đánh giá năng lực của học sinh như các đại học đang tổ chức sẽ hợp lý hơn.
Điều quan trọng là chính sách thi cử chứ không phải chỉ ứng dụng công nghệ thi trên máy tính đã gọi là đổi mới. Một chính sách thi cử tốt là chính sách khẳng định được mục đích của thi cử, không phải dạy và học chỉ để thi".
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Giám đốc Sở GD-ĐT một tỉnh phía Nam cho rằng để đổi mới toàn diện giáo dục, phải đổi mới cách kiểm tra đánh giá.
"Nếu vẫn thi vẫn 6 môn như phương án này, tôi không thấy có sự thay đổi so với trước đây. Nếu không thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá, chúng ta vẫn quay lại con đường cũ" - bà nói. Giám đốc Sở này cho rằng việc kiểm tra đánh giá cần có sự đổi mới hơn.
Theo người quản lý này, nếu thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá, phương pháp dạy sẽ đổi mới. Có đánh giá được năng lực học sinh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách kiểm tra.
"Nếu trên thay đổi phương thức, tự động ở dưới sẽ đổi. Tại tỉnh chúng tôi, những giáo viên có tư duy trong chuyên môn, muốn phát huy năng lực học sinh, họ đã làm mà không cần chúng tôi phải tuyên truyền. Tuy nhiên, nếu phương thức đánh giá của mình vẫn như cũ, họ phải làm song song hai việc là dạy học với tâm huyết hoài bão cho học sinh nhưng cũng phải cho học sinh của mình đối phó để thi để đạt điểm cao, như vậy thì quá khổ" - bà nói.
Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng một bài thi đánh giá chung đã và đang được bàn luận nhưng lưu ý là ai dạy cho các em 3 năm theo dạng này. Mặt khác, nếu ra đề kiểu này có thể giáo viên sẽ phản đối và rất lúng túng.
"ETS (Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ - Educational Testing Service) của Mỹ đã làm kiểu này nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa làm được vì giáo viên vẫn dạy theo môn cụ thể. Do đó, đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 nên vừa đánh giá năng lực theo môn, vừa bổ sung các câu tập dần tư duy liên môn", ông Lý nêu ý kiến.
Các trường ĐH mong chờ gì về kỳ thi tốt nghiệp sau 2025?
Hiện tại, các trường đại học có nhiều phương án tuyển sinh tuy nhiên, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ vẫn chiếm ưu thế.
Trưởng phòng đào tạo một trường đại học phía Nam cho rằng việc thi tốt nghiệp THPT chỉ liên quan đến việc công nhận người học hoàn thành bậc THPT. Các trường ĐH sẽ luôn có cách tuyển sinh phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn của trường.
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nêu quan điểm mặc dù thi tốt nghiệp THPT nhưng nhiều trường đại học sẽ lấy kết quả để xét tuyển. Vì vậy, ông mong đề thi có tính phân hóa, đặc biệt là các môn như Toán, Văn, Anh văn. Đề thi cũng có tính mở, thời sự và có tính suy luận hơn.
Ở cấp vĩ mô, theo ông Tô Văn Phương - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, trường kỳ vọng phương án đổi mới về phương thức thi, xét và công nhận tốt nghiệp theo hướng cần giảm áp lực và tốn kém cho xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo độ tin cậy, trung thực và đánh giá đúng được năng lực người học. Từ đó, làm cơ sở nền tảng cho các trường ĐH, CĐ trong công tác xét tuyển đầu vào.
Ở cấp độ vi mô, dựa trên phương án này, các trường sẽ sớm công bố phương án tuyển sinh từ năm 2025 để học sinh và các trường có lộ trình thay đổi phù hợp. Đặc biệt, lưu ý đến việc học sinh lựa chọn các môn tự chọn làm sao tương thích với yêu cầu về kiến thức nền tảng cho ngành đào tạo ở đại học.
Ông Phương cho hay từ đầu tháng 2, Trường ĐH Nha Trang đã xây dựng phương hướng tuyển sinh từ năm 2025 trở đi và gửi xin ý kiến các trường THPT. Phương hướng tuyển sinh này của trường có định hướng quan trọng về các môn học cần thiết phải trang bị ở cấp THPT để làm nền tảng học 1 ngành đào tạo nào đó ở đại học hơn là chỉ định hướng thuần túy về tổ hợp xét tuyển vào ngành đó.
Phương hướng thi THPT từ 2025 của Bộ GD-ĐT khi được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các trường cân nhắc sử dụng kết quả thi trong việc tuyển sinh thời gian tới.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - ông Trần Đình Lý, kì vọng 2-3 năm nữa, công tác thi và tuyển sinh sẽ trở thành một việc bình thường, ổn định để các cơ sở đào tạo tập trung cho công tác dạy-học, chuẩn đầu ra và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo Vietnamnet