Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Giảm áp lực, bám sát tinh thần đổi mới

30/11/2023 - 14:22

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phương án này không chỉ nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo học sinh, phụ huynh và giáo viên, các chuyên gia giáo dục cũng đánh giá cao quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Năm 2025 là lứa học sinh đầu tiên hoàn thành 3 năm Trung học Phổ thông theo lộ trình đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhìn theo số môn thi sẽ cảm giác không có gì mới nhưng phân tích sâu sẽ thấy rất khác với các phương án thi tốt nghiệp trước đây và hiện nay (cho đến năm 2024).

Về số môn, thí sinh chỉ phải thi nhẹ nhàng 4 môn, nhưng Nhà nước sẽ tổ chức làm đề và có các ca, buổi thi cho số lượng là 11 môn. Môn Ngoại ngữ còn phải ra đề cho tất cả 7 môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc và tiếng Trung Quốc) để thí sinh thi đúng môn ngoại ngữ được học. Mấy chục năm trước, thí sinh thi mấy môn, Nhà nước chỉ tổ chức ra đề từng đấy môn. Những năm gần đây, khi thí sinh được lựa chọn theo định hướng Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội, Nhà nước phải "vất vả" hơn trong tổ chức để thí sinh bớt "áp lực" hơn.

Bên cạnh đó, dù cũng thi với số lượng 4 môn như mấy chục năm trước nhưng bản chất lại rất khác nhau. Trước đây, tất cả môn thi do Nhà nước chọn, học sinh buộc phải thi bất kể xu hướng năng lực, sở thích, định hướng ngành nghề. Tất cả đều đồng dạng. Từ năm 2025, với triết lý "tích hợp ở cấp dưới, phân hóa ở cấp trên" theo định hướng nghề nghiệp, học sinh được quyền tự chọn 2 môn theo sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp (xét tuyển đại học, cao đẳng), đúng theo tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh phân tích thêm: Từ 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn, sẽ hình thành 36 tổ hợp các môn thi. Đây cũng là căn cứ để xác định các tổ hợp xét tuyển vào đại học. Số lượng tổ hợp này chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng các tổ hợp đang dùng xét tuyển hiện nay, vì vậy, số lượng tổ hợp xét tuyển đại học khả năng sẽ ít và đơn giản hơn.

Với phương thức thi 2+2 như vậy, quan niệm về khối thi truyền thống cũng không còn nữa. Các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác. Các phân tích tương quan của nhóm nghiên cứu từ Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy "giữa điểm thi theo các khối hiện nay (A, B, C, D...) không có tương quan với kết quả học tập của năm thứ nhất", cho nên tư duy khối thi kiểu cũ rất đáng xem lại.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, việc không thực hiện bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội như hiện nay là do thiết kế của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có các môn lựa chọn, khác với chương trình cũ khi 100% các môn là bắt buộc. Vì sự lựa chọn các môn học cấp Trung học Phổ thông (5 trong số 9 môn) ở các học sinh và các trường rất khác nhau, cho nên không thể có cùng tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội chung cho mọi thí sinh trên toàn quốc.

Với những ý kiến về việc tổ chức thi theo hình thức đánh giá năng lực, Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh cho rằng, chưa thi hoàn toàn theo kiểu đánh giá năng lực một cách toàn vẹn được ở năm 2025, vì số học sinh sẽ thi năm 2025 mới chỉ học 3 năm Trung học Phổ thông theo Chương trình 2018. Để hoàn tất toàn bộ việc chuyển đổi chương trình thì phải đợi năm 2032 - khi nhóm học sinh đầu tiên học đầy đủ 12 năm theo chương trình 2018. Khi đó, hoàn toàn có thể tính tín chỉ tích lũy mà không cần thi tốt nghiệp (nếu sửa cả Luật Giáo dục 2019) hoặc thi theo hướng đánh giá năng lực thực sự.

Đồng tình với phương án thi mới, ông Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia chia sẻ: Sự thành công của mọi tiến trình cải tiến dạy và học có thể được nhìn nhận qua sự kết nối giữa ba trụ cột: Mục tiêu học tập (thể hiện qua Chương trình và giáo trình); Quá trình dạy và học; Kiểm tra và đánh giá. Trong đó, đối với trụ cột "Kiểm tra và đánh giá" nếu không làm tốt sẽ trở thành nút thắt. Với giải pháp 2+2 (Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn), quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo quả thực là một quyết định lịch sử. Bởi qua việc giảm tải áp lực thi cử đã góp phần bước đầu củng cố nền tảng vững chắc cho các cải tổ về chương trình và phương pháp; giảm bớt gánh nặng về dạy thêm, học thêm; giảm bớt áp lực và nguồn lực xã hội trong công tác thi cử; giảm bớt chi phí cho học sinh, phụ huynh. 

Bên cạnh đó, tạo ra cơ hội để các nhà trường, gia đình có những hành trình hướng nghiệp hiệu quả hơn, không loay hoay nhiều trong câu chuyện phân ban, chọn tổ hợp. Ví dụ, sự lựa chọn của rất nhiều học sinh, gia đình sẽ là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn theo định hướng nghề nghiệp. Sự lựa chọn này, không nói là tối ưu nhất, nhưng sẽ là hiệu quả nhất để học sinh tự tin, vững bước hội nhập với thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 vừa được công bố là phù hợp.

Toán và Ngữ văn là 2 môn bắt buộc bởi bất cứ học sinh nào trước hết cũng phải biết viết văn, không được phép sai câu cú, ngữ pháp; môn Toán là môn thể hiện trình độ cơ bản để có thể học thêm các môn khác. Đối với 2 môn tự chọn trong nhiều môn học, học sinh thích đăng ký môn nào theo năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình thì lựa chọn. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, các nhà trường vẫn phải đảm bảo điều kiện dạy và học cho học sinh ở tất cả các môn nhằm giúp các em có phông kiến thức, kỹ năng cơ bản, không chỉ tập trung vào các môn lựa chọn để thi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục sát sao việc giảng dạy để học sinh học đồng đều các môn và đạt kết quả tốt nhất.

Theo TTXVN