Xăng, dầu tăng giá, người dân thêm nhiều nỗi lo. Ảnh: ÁNH NGUYÊN
Giải pháp từ Chính phủ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện 1039/CĐ-TTg, ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng, dầu. Công điện nêu rõ, xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp (DN), người dân. Thời gian qua, thị trường xăng, dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì cùng với các bộ, cơ quan liên quan, chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành giá xăng, dầu và bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong nước, góp phần vào việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của DN, người dân, không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.
Tuy nhiên, vừa qua, ở thị trường trong nước có hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng, dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng, dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng, dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; đảm bảo nguồn cung xăng, dầu phục vụ tốt các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân trong mọi tình huống. Tiếp tục chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu; DN phân phối kinh doanh xăng, dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng, dầu liên tục cho thị trường trong nước…
Người dân thắt chặt chi tiêu
Trước tình trạng “lên, xuống” giá xăng, dầu, để đảm bảo nhu cầu cuộc sống, nhiều người quyết định thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, như: Tính toán lại các khoản chi tiêu, cắt bỏ những khoản tiêu dùng chưa thật sự cần thiết, thậm chí thay đổi cả phương tiện di chuyển từ sử dụng nhiên liệu xăng, dầu sang điện để tối ưu hóa các khoản chi phí.
Là sinh viên mới ra trường, em Nguyễn Thị Kim Ngà (huyện An Phú) vẫn đang tìm việc làm ổn định. Hiện giờ, nguồn thu nhập chính của Kim Ngà từ việc làm bán thời gian ở TP. Long Xuyên. Khi mặt hàng xăng, dầu tăng giá, kéo theo các chi phí sinh hoạt khác tăng theo, mỗi ngày, Kim Ngà đều ngồi tính toán lại những khoản chi tiêu sao tiết kiệm.
“Trừ khi có công việc gấp em mới đi xe gắn máy, còn đi chợ mua đồ ăn hoặc đi những quãng đường gần, em chuyển sang sử dụng xe đạp. Ngoài ra, em còn tiết kiệm tối đa những khoản chi tiêu không cần thiết để trả tiền trọ, ăn uống mỗi tháng. Thay vì dành thời gian đi tập thể dục thì em di chuyển bằng xe đạp, đây là cách để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi tiêu” - Kim Ngà chia sẻ.
Là shipper (người giao hàng) nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn An (TP. Long Xuyên) lo lắng khi nghe tin giá xăng tăng. Thông thường, mọi chi phí (xăng, phí hao mòn xe) đều được anh An chủ động tính toán để đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá xăng biến động 2 lần/tháng, khiến những người làm nghề giao hàng như anh An bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Dù giá xăng, dầu tăng nhưng phí giao hàng không thay đổi, khiến thu nhập của tôi bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, tôi phải sắp xếp đơn hàng theo từng khu vực và tuyến đường, làm sao để đi ít nhưng giao được nhiều đơn hàng. Trước khi đến giao hàng, tôi điện thoại trước, nếu khách hàng có ở nhà sẽ đến giao, tránh trường hợp không có người nhận, tốn kém chi phí đi lại nhiều lần” - anh An giải thích.
Cùng chung nỗi lo, anh Lê Văn Tốt (huyện Phú Tân) làm nghề lái xe hợp đồng cũng gặp thế khó khi giá xăng, dầu tăng. Trước tình trạng này, anh Tốt buộc phải điều chỉnh giá thuê xe để đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, việc tăng giá thuê xe cũng là quyết định khó khăn.
Anh Tốt cho biết: “Giá xăng, dầu tăng nên tôi phải tăng giá khi hợp đồng lái xe cho khách hàng. Nhưng việc tăng giá chẳng đáng là bao, vừa đủ để bù chi phí xăng dầu cho chuyến đi, vì tăng giá cao sẽ mất khách, ảnh hưởng thu nhập và sinh hoạt gia đình”.
Giá xăng, dầu tăng kéo theo nhiều nỗi lo của không ít người dân khi mức chi tiêu tăng, buộc nhiều người phải tìm giải pháp, tính đến các phương án để cân đối tài chính, giảm bớt chi phí sinh hoạt đảm bảo các khoản chi tiêu trong gia đình.
ÁNH NGUYÊN