Thiếu kỹ năng mềm - lao động trẻ đánh mất cơ hội việc làm

13/07/2022 - 07:03

 - Mỗi năm, có nhiều sinh viên cao đẳng, đại học, trung cấp tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, chỉ có số ít được tuyển dụng đi làm việc. Một trong những nguyên nhân là do thiếu kỹ năng mềm và những kiến thức trải nghiệm thực tế.

Từ những công việc bán thời gian

Ở TP. Long Xuyên, sẽ không khó để bắt gặp những bạn sinh viên làm việc bán thời gian (part-time) ở những quán ăn, quán cà-phê để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa mong muốn học hỏi những kiến thức, kỹ năng bổ ích từ môi trường thực tế. Tuy nhiên, đối với bất kỳ công việc nào cũng vậy, chỉ khi thật sự đặt cái tâm vào công việc mới đạt hiệu quả và giúp bản thân phát triển hơn.

Có nhà ở phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhưng công việc của chị Nguyễn Hồng Thu lại ở phường Mỹ Bình. Vì khoảng thời gian nghỉ trưa ngắn, về nhà tốn nhiều thời gian nên chị Thu không về nhà mà loanh quanh tìm quán ăn, quán cà-phê ở gần chỗ làm để ăn uống, nghỉ ngơi, lấy lại sức bắt đầu công việc vào buổi chiều. Bên cạnh một số quán quen, chị Thu hay tìm đến những quán mới để trải nghiệm.

Theo chị Thu, chưa kể đến chất lượng món ăn, thức uống thì trải nghiệm về sự chuyên nghiệp trong phong cách phục vụ của nhân viên đã ghi điểm đối với nhiều khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ có một số quán làm được việc đó.

“Có những quán cà-phê, mình vô ngồi khoảng 10-15 phút, nhưng nhân viên đi tới đi lui chẳng buồn hỏi khách uống gì, mặc dù ngay lúc đó, quán không đông khách. Có khi trời nắng, ghé đợi mua một ly cà-phê mang về, chờ đợi pha chế thì không nói, mà phải đợi thêm thời gian bạn nhân viên vừa đi từ trong quầy ra, vừa nhấn điện thoại khi giao nước cho khách. Lúc này, ly cà-phê dù ngon đến cỡ nào cũng sẽ mất hết mùi vị, chỉ còn sự bực bội và quán đó xem như mất một khách hàng” - chị Thu chia sẻ.

Đi làm thêm là cơ hội giúp các bạn sinh viên tích lũy kinh nghiệm

Thực tế, phục vụ trong quán cà phê, quán ăn đa phần là các bạn sinh viên vừa học, vừa đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Trong đó, có một số bạn trẻ sẽ hết mình với công việc, vừa làm, vừa trau dồi thêm những kỹ năng giao tiếp, quan sát… để phục vụ khách hàng thật tốt. Vì các bạn hiểu rằng đây là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tế, giúp ích cho công việc chính thức sau này. Tuy nhiên, có một số bạn trẻ chỉ nghĩ đây là công việc làm thêm, trước khi vào làm chưa được training (khóa đào tạo ngắn hạn), không chịu học hỏi từ các anh, chị đã đi làm trước…

Từ đó, rất thiếu kỹ năng làm việc, trong khi nghề phục vụ là trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, nếu làm tốt công việc sẽ để lại ấn tượng tốt đối với thực khách, giúp nơi mình làm việc trở nên chuyên nghiệp hơn. Khi đi làm thêm, các bạn sẽ có rất nhiều kiến thức thực tế, cùng với tri thức học được trên giảng đường sẽ tạo nên một CV (bảng tóm lược thông tin cần thiết của người ứng tuyển) rất đẹp sau khi tốt nghiệp để vào các doanh nghiệp.

Thiếu kỹ năng xin việc

Theo các nhà tuyển dụng, khi đi phỏng vấn, sinh viên phạm những lỗi cơ bản trong việc chuẩn bị hồ sơ. Ví dụ, hồ sơ không chuyên nghiệp, thiếu tính tổ chức, sắp xếp và vi phạm các lỗi chính tả, thông tin không thuyết phục hoặc không liên quan đến vị trí ứng tuyển. Thậm chí, có rất nhiều sinh viên trong quá trình phỏng vấn còn không nắm bắt được nhu cầu của công việc và không hiểu rõ về công ty. Thực tế, nhiều sinh viên đi xin việc chỉ chờ may mắn, có được thì tốt, không thì thôi, chưa thực sự muốn để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng bằng kiến thức, sự chuyên nghiệp, thành ý của mình.

Fanpage “Việc làm An Giang” trên mạng xã hội facebook hoạt động hơn 10 năm và thu hút trên 57.000 lượt thích. Trên fanpage, thường xuyên chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc chia sẻ nhu cầu công việc, trang còn thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm về viết CV xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn để lại ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng…

Mới đây, trên fanpage “Việc làm An Giang” vừa chia sẻ một trạng thái, trong đó ghi nhận rất nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” của các bạn ứng viên khi trao đổi với người quản lý trang nhờ hỗ trợ việc làm. Trích một đoạn từ dòng trạng thái của trang: “Có nhiều bạn nữ viết CV xin việc, trong email có nội dung như sau: “Nếu hồ sơ em được nhận thì công ty có thể liên lạc bằng 2 hình thức sau: 1. Gửi email phản hồi (kiểm tra mail mỗi ngày 2 lần vào lúc 8 và 14 giờ); 2. Nếu gọi điện thoại thì gọi vào số 0908xxxxxx (nhận cuộc gọi từ 7-21 giờ, ngoài khoảng thời gian này đề nghị nhắn tin để lại)…”.

Theo những anh, chị quản lý fanpage, trong thời gian tạo ra và điều hành trang, họ chứng kiến rất nhiều trường hợp “éo le” như vậy. Nguyên nhân một phần là do bản thân các bạn không chịu học hỏi, thiếu nhiều kỹ năng khi mang hồ sơ đi xin việc. Tuy nhiên, một phần có thể là do phía nhà trường chưa training kỹ lưỡng cho các bạn trong 4 năm là sinh viên trên giảng đường.

Việc đầu tiên khi đi xin việc là các ứng viên phải tìm hiểu về nơi tuyển dụng, vị trí muốn ứng tuyển xem mình thực sự phù hợp và có năng lực để phụ trách công việc đó hay không. Đó là chưa kể đến kỹ năng viết CV xin việc cũng rất quan trọng, là bước đầu tiên mà nhà tuyển dụng có thể đánh giá về năng lực trình bày, tóm tắt, thể hiện thành ý của ứng viên khi tham gia ứng tuyển… 

Ngoài những kiến thức chuyên ngành được học trên ghế giảng đường, các kỹ năng mềm, trải nghiệm thực tế, sự ham học hỏi từ những người đi trước luôn là điều cần thiết cho các sinh viên để chuẩn bị đi xin việc.

 

ÁNH NGUYÊN