Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm cho các đơn vị trực tiếp tham gia tuyển dụng, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu. Tuy nhiên, lực lượng lao động được giải quyết việc làm đa số là lao động phổ thông, việc làm chưa được ổn định lâu dài, số người thất nghiệp còn cao. Một trong những nguyên nhân được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích là số lao động qua đào tạo và đào tạo nghề vẫn còn thấp. Dù có nhiều giải pháp, nỗ lực nhưng chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn hạn chế về chuyên môn, tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động… chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Về phía người lao động, vẫn còn tâm lý kén chọn trong học nghề và tìm việc làm. Thời điểm chọn nghề, học sinh chủ yếu chọn theo xu hướng hiện tại, theo bạn bè hoặc nghe theo sự tư vấn của gia đình (đa số gia đình cũng chọn theo xu hướng), chưa chú trọng đến năng lực, sở thích bản thân. Trưởng phòng Đào tạo và Quan hệ doanh nghiệp (Trường Cao đẳng Nghề) Trần Mỹ Hạnh nhận định, bên cạnh lý do nêu trên, hiện nay khá nhiều người học chưa hiểu biết trọn vẹn về khái niệm “học nghề” . Khá nhiều người còn tư tưởng học nghề là ra trường chỉ thực hành những công việc nặng nhọc, thực tế tính chất công việc nào cũng được máy móc hỗ trợ tối đa và tự động hóa. Do chọn nghề theo cảm tính nên đối tượng này dễ chán nản, tỷ lệ bỏ học cao… trong khi vị thế của người học nghề hiện nay được doanh nghiệp rất coi trọng.
Rất nhiều ngành đang là xu thế nhưng vẫn thiếu người học
Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Nghề đào tạo những ngành thế mạnh như: cắt gọt kim loại, điện công nghiệp (nghề cấp độ quốc tế); nghề kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí, công nghệ ôtô, cơ điện tử, nghiệp vụ nhà hàng (cấp độ quốc gia)… Năm nay, trường chuẩn bị mở thêm nghề thiết kế mỹ thuật trên máy tính và tự động hóa. Hàng năm, số sinh viên ra trường không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là nhu cầu tuyển dụng của Công ty TNHH Cơ khí An Giang, Công ty Cổ phần FPT, Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, Công ty Cổ phần thương mại Nguyễn Kim, Công ty Cổ phần Việt An, công ty có vốn đầu tư nước ngoài như NV Apparel… Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt trên 80%. Đáng tiếc là tỷ lệ tuyển sinh của trường so với chỉ tiêu thường không đạt (chỉ trên 70%), không đáp ứng đủ nhu cầu doanh nghiệp. Điển hình như nghề Cơ khí lúc nào doanh nghiệp cũng cần, số lượng bao nhiêu đều được nhận hết bấy nhiêu, nhưng do tính chất nặng nhọc nên người chọn học rất ít. Hoặc nghề Cơ điện tử đang là nghề “hot” của các thành phố phát triển, mức lương khởi điểm ra trường là 8-12 triệu đồng vẫn chưa được nhiều người chọn.
Không chỉ khó khăn ở khâu đào tạo, doanh nghiệp có lao động đang làm việc còn nan giải tình trạng lao động bỏ việc theo xu hướng “đi Bình Dương làm công nhân”. Đơn cử tại Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, lao động làm việc tại đây có tính chất đặc thù và năng nhọc, đòi hỏi phải mất nhiều năm mới đào tạo lao động có chuyên môn vững vàng. Ông Lê Văn Đá, Trưởng phòng Tổ chức công ty chia sẻ, dù có nhiều chính sách ưu đãi về thu nhập, chăm lo nhà ở, đời sống tinh thần… nhưng công ty vẫn không tránh khỏi tình trạng lao động nghỉ việc, đặc biệt có trường hợp lao động đã gắn bó từ 7-8 năm. Nguyên nhân do họ chiều ý gia đình, đổ xô theo lao động đi làm việc ngoài tỉnh với mức lương “tức thời” khá hấp dẫn. Bù đắp cho tổn thất đó, công ty chỉ còn cách bỏ công đào tạo lại những lao động khác. Không ít trường hợp đi Bình Dương làm công nhân được thời gian ngắn rồi quay về… nuôi bò vì không còn cơ hội tìm việc làm nữa, song rất ít người nhận ra bài học này.
Ở một góc nhìn khác, trong môi trường làm việc năng động như hiện nay, doanh nghiệp liên tục tìm kiếm lao động chuyên môn cao thì người lao động đòi hỏi được làm gần nhà, làm sao nhanh chóng có thu nhập cao mà bỏ qua tính ổn định lâu dài. Một bộ phận lao động có trình độ nhưng rất dễ nghỉ việc vì những lý do: mâu thuẫn nhỏ nhặt, không thích nghi với môi trường, thiếu kỹ năng mềm, đề cao năng lực bản thân… Người lao động có trình độ không muốn làm công việc doanh nghiệp tuyển dụng, trong khi doanh nghiệp muốn tìm lao động có tay nghề tốt rất khó khăn. Thực trạng đó khiến thị trường lao động thiếu vẫn thiếu và thừa vẫn thừa.
Thị trường lao động vẫn còn trong tình trạng mất cân đối về số lượng cũng như chất lượng trong cơ cấu ngành, nghề. Bên cạnh những việc phải làm của ngành chức năng, người lao động cần thay đổi chính mình để tự tạo ra cơ hội. Bởi dù việc làm gia tăng nhưng việc làm phù hợp sẽ chỉ rộng mở cho những người có trình độ vững vàng và có nhiều kỹ năng thích nghi.
MỸ HẠNH