Thiếu nhi chung sức cùng tuyến đầu chống dịch

02/07/2021 - 03:46

 - Chương trình “Em cùng chung sức” làm “tai giả” gửi tặng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang thu hút sự tham gia của thiếu nhi An Giang. Đã có không ít em nhịn buổi ăn sáng hay đập “heo đất” của mình để có tiền mua nguyên liệu làm “tai giả”. Tấm lòng ấy thật thơm thảo biết bao!

“Em cùng chung sức” làm ra sản phẩm “tai giả” là chương trình do Nhà Thiếu nhi An Giang triển khai nhằm giúp việc đeo khẩu trang dễ dàng hơn. Nguyên liệu làm “tai giả”, gồm: dây thun bản rộng khoảng 2cm màu đen hoặc màu xanh đậm, cúc áo (1,6cm), kim, chỉ. Cách làm ra sản phẩm đơn giản. Chỉ cần cắt dây thun thành từng đoạn dài 15cm, hơ 2 đầu dây qua lửa để không bị xù, rút sợi, rồi khâu 2 cúc áo vào 2 đầu đoạn thun là hoàn thành. Dây khẩu trang được đeo vào 2 nút “tai giả” thay vì đeo trực tiếp vào tai, giúp người dùng không bị đau tai do đeo khẩu trang nhiều giờ liền.

“Chúng tôi chủ yếu vận động các em thiếu nhi mua nguyên liệu và đóng góp công sức để tự làm ra sản phẩm, thể hiện được tinh thần “Em cùng chung sức” với công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, giúp các em hiểu được giá trị của lao động, giáo dục tinh thần sẻ chia, “tương thân, tương ái” với các lực lượng tuyến đầu đang vất vả phòng, chống dịch bệnh COVID-19” - Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi An Giang Trương Thanh Thúy chia sẻ.

Thông qua việc làm “tai giả”, thiếu nhi An Giang cố gắng làm nhiều việc có ích và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Dù chỉ mới 9 tuổi nhưng bé Nguyễn Huỳnh Xuân Nhi (Câu lạc bộ Múa hát Nhà Thiếu nhi An Giang) đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Xuân Nhi chia sẻ, lúc đầu không biết phải làm “tai giả” thế nào nhưng nhờ mẹ hướng dẫn, em có thể tự mình làm ra sản phẩm. Lắm lúc kim đâm vào tay nhưng bé Xuân Nhi không bỏ cuộc mà càng tập trung hơn để hoàn thành sản phẩm “tai giả” sớm nhất, cùng mẹ mang đến Nhà Thiếu nhi An Giang. Xuân Nhi là một trong những bé nhỏ tuổi nhất nhưng tham gia nhiệt tình với chương trình “Em cùng chung sức”.

Em Trương Gia Khang (11 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) háo hức nói: “Để chung tay cùng các bạn làm “tai giả”, em đã đập con heo đất mình đang nuôi, lấy tiền mua nguyên liệu, dụng cụ về nhà làm. Em nuôi heo đất từ đầu năm, đến cuối năm sẽ đập heo để gom tiền mua dụng cụ học tập hay những món đồ chơi mình thích.

Nhưng khi được phát động làm “tai giả”, để có tiền mua nguyên liệu, em đập ngay con heo mới nuôi được vài tháng nên chỉ được 150.000 đồng. Số tiền này đủ làm được 200 “tai giả” nhưng nhờ mẹ cho thêm một ít, em đã mua nguyên liệu làm được 400 “tai giả’. Mỗi sản phẩm “tai giả” mất khoảng vài phút là làm xong. Được mẹ tiếp sức nên em thấy việc làm “tai giả” không hề nặng nhọc, chỉ cần mình bỏ ít thời gian, tập trung sẽ hoàn thành rất nhanh”.

Chị Trần Thị Xuân Mai (41 tuổi, mẹ bé Gia Khang) cho biết, để tiếp thêm tinh thần cho con khi làm “tai giả”, chị phụ với con cùng làm ra sản phẩm. Ngày thường, bé Gia Khang hay để dành tiền để nuôi heo đất. “Tôi muốn dạy con mình đức tính chia sẻ, biết yêu thương và quan tâm những người xung quanh. Thấy con dành tình cảm cho các lực lượng chống dịch khi bắt tay làm “tai giả”, tôi rất vui và xúc động” - chị Mai chia sẻ.

Với những người phải đeo khẩu trang liên tục như các y, bác sĩ hay những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch thì thường đau ở vành tai. “Tai giả” là sáng kiến giúp mọi người đỡ đau hơn. Đồng thời, nó giúp đeo khẩu trang chặt hơn, chống lây nhiễm tốt hơn.

“Dù chỉ đeo khẩu trang khi ra đường, nhiều lúc em thấy rất đau tai. Nghĩ các chú bộ đội đang ngày đêm giữ biên giới, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phải đeo khẩu trang liên tục, em càng thấy yêu quý vô cùng. Đợt vừa rồi, em đã lấy tiền tiết kiệm của mình, tự mua nguyên liệu và làm được 250 “tai giả” gửi về Nhà Thiếu nhi An Giang. Mẹ nói sẽ phụ thêm một ít nhưng em không muốn, vì “tai giả” do chính mình bỏ tiền, công sức làm ra sẽ tăng thêm ý nghĩa” - em Phạm Bá Tuệ Trân (12 tuổi, Trường THCS Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) bộc bạch.

Hiểu và chia sẻ nỗi vất vả của tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đó là nguyên nhân Nhà Thiếu nhi An Giang vận động các em thiếu nhi mua nguyên liệu và đóng góp công sức để tự làm ra sản phẩm. Qua đó giúp các em hiểu được giá trị của lao động, giáo dục tinh thần sẻ chia, “tương thân, tương ái”. Dù thời gian phát động rất ngắn, từ ngày 11-6 đến 17-6-2021 nhưng Nhà Thiếu nhi An Giang nhận được 3.544 chiếc “tai giả” do các em học sinh cùng phụ huynh tự tay làm. Số lượng “tai giả” này đã được gửi đến lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh.

PHƯƠNG LAN