Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (phải) trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom tại Ankara, ngày 22/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag tuyên bố Thụy Điển không thể kỳ vọng có được sự ủng hộ của Ankara đối với tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu bỏ qua những hành động khiêu khích của các phần tử khủng bố.
Trước đó, tại thủ đô Stockholm, đã diễn ra một cuộc biểu tình của những người ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, với một số ngôn từ và cử chỉ xúc phạm đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại Ankara tới để trao công hàm phản đối liên quan đến hành động nói trên.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Şentop quyết định hủy chuyến thăm đã được lên kế hoạch của người đồng cấp Thụy Điển tới Ankara.
Luật sư của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đệ đơn lên Văn phòng Trưởng Công tố Ankara liên quan đến vụ việc và đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nhấn mạnh hành động của PKK có nguy cơ gây phức tạp cho quá trình Ankara phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Bộ trưởng Bozdag nêu rõ: “Nếu Thụy Điển muốn nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề gia nhập NATO, thì Thụy Điển phải thực hiện cam kết theo các thỏa thuận với Ankara.”
Ông nhắc lại các điều khoản trong Bản ghi nhớ ba bên được Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển ký kết bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 6 năm ngoái.
Bộ trưởng Bozdag nhấn mạnh: “Văn bản này áp đặt một số cam kết nhất định đối với các bên, vì vậy, Ankara có quyền mong đợi Stockholm thực hiện những lời hứa đó.”
Ông giải thích hai quốc gia Scandinavia cam kết hỗ trợ Ankara về an ninh, bao gồm cả trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như dỡ bỏ các quy định hạn chế trong lĩnh vực quốc phòng.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn giao cho Thụy Điển và Phần Lan danh sách những nhân vật mà nước này coi là khủng bố, song đến nay, tất cả các đối tượng này vẫn chưa được bàn giao cho Ankara.
Người đứng đầu Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ quả quyết: “Một quốc gia phớt lờ những hành động khiêu khích của các phần tử khủng bố không thể mong đợi sự hỗ trợ từ Ankara trong quá trình gia nhập NATO. Cách tiếp cận này cần được xem xét lại”./.
Theo Vietnam+