Thoại Sơn đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

22/03/2024 - 06:29

 - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển. Thời gian qua, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP ở địa phương.

Đến nay, huyện Thoại Sơn có 22 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, Trung ương công nhận 2 sản phẩm OCOP 5 sao, gồm gạo Tiên Nữ và gạo Thiên Vương, thuộc Công ty Lương thực Thoại Sơn; 20 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao, gồm: Khô cá lóc 7 chóp, atiso sấy dẻo, cóc sấy dẻo, chả sốt Mayonnaise, trà sâm đinh lăng, rượu sâm đinh lăng, tàu hủ ky lá, khô cá lóc Đại Phát…

Năm 2023, huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng 14 sản phẩm đạt 3 sao (3 sản phẩm hết hạn tham gia đánh giá lại, là nấm linh chi đỏ, bưởi da xanh Hùng Hạnh và tranh ghép lá thốt nốt; 11 sản phẩm đánh giá lần đầu), đạt 233% so kế hoạch (vượt chỉ tiêu 8 sản phẩm).

Thoại Sơn luôn tạo điều kiện cho các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà cho biết: “Mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP là dựa trên việc khai thác các lợi thế của địa phương và gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.

Huyện sẽ giữa vai trò kiến tạo, định hướng phát triển sản phẩm đặc sản các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ tín dụng; xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Đối với sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung vào đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật. Mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương; quản lý chất lượng sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp với yêu cầu của thị trường. Với sản phẩm tiềm năng, cần rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với thế mạnh của địa phương. Ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống”.

Trong xây dựng sản phẩm OCOP, quan trọng nhất là đầu ra tiêu thụ. Địa phương có nhiều giải pháp nhằm kết nối, tạo liên kết chuỗi sản phẩm, hỗ trợ về đầu ra cho các chủ thể. Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ thông tin trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các gói quà phục vụ các dịp lễ, Tết; kết nối thị trường trong và ngoài huyện. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, mở rộng mạng lưới sản phẩm OCOP trong khu vực; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.

Theo ông Lê Văn Đà, việc triển khai chương trình OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân. Đặc biệt, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân, với vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ chuyên gia và các tổ chức kinh tế là rất quan trọng. Huyện Thoại Sơn rút ra bài học kinh nghiệm là: Xem chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng. Do đó, cần nhận thức đúng, ứng xử đúng các quy luật kinh tế và gắn với lợi ích của đối tượng cần hướng tới.

Cùng với đó, coi trọng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý chương trình OCOP, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ hộ sản xuất sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để nâng cao, mở rộng tư duy, tầm nhìn, có chiến lược phát triển. Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của quy trình, Thoại Sơn đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, như: Tổ chức thường niên trưng bày sản phẩm OCOP tại quảng trường Thoại Ngọc Hầu; tham gia triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, hình thành mạng lưới kết nối sản xuất - kinh doanh, dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình OCOP, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm của các địa phương trên địa bàn huyện, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn.

Thông qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, khuyến khích và tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế; tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm. Bên cạnh đó, khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.

“Thoại Sơn phấn đấu phát triển thêm 5 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử và phấn đấu xây dựng ít nhất 1 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà nhấn mạnh.

 

PHƯƠNG LAN