Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin là hoạt động đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Liên bang Nga và 1 năm trước thềm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước…
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 30/1/1950), quan hệ giữa 2 nước phát triển rất nồng ấm, mạnh mẽ. Tháng 3/2001, 2 nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương. Tháng 7/2012, Việt Nam - Liên bang Nga nâng tầm quan hệ bằng việc xác lập khuôn khổ hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện.
Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, thông qua các hình thức và cơ chế hợp tác chính trị đa dạng như trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao thường xuyên, giúp lãnh đạo 2 nước trao đổi thông tin và phát triển quan hệ song phương. Hai bên đã thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế như họp Ủy ban Liên chính phủ, Đối thoại chiến lược, Tham vấn chính trị thường niên, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác mọi mặt. Việt Nam và Liên bang Nga luôn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và khu vực, như: Liên Hiệp Quốc, ASEAN, APEC...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: T.L
Hợp tác kinh tế - thương mại phát triển tích cực, có những giai đoạn kim ngạch song phương tăng từ 10 - 15%/năm. Mặc dù chịu tác động của tình hình bất ổn thế giới và khu vực, kim ngạch thương mại năm 2023 vẫn đạt hơn 3,6 tỷ USD. Về đầu tư, đến hết tháng 5/2024, Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD; Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Liên bang Nga với tổng vốn khoảng 3 tỷ USD. Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa 2 nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí với các dự án lớn. Ngoài liên doanh Vietsovpetro là "lá cờ đầu" trong hợp tác dầu khí, 2 bên đã có thêm những liên doanh khác đang hoạt động tích cực. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga, gồm: Điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép, nông, thủy, hải sản các loại… Các mặt hàng nhập khẩu chính, gồm: Than đá, lúa mì, sắt thép, phân bón, ôtô, máy móc, thiết bị…
Đánh giá chặng đường hơn 70 năm hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn nồng ấm, đáng tin cậy, ông Sadykov Timur Sirozhevich, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, quan hệ giữa Việt Nam - Liên bang Nga đặc trưng bởi sự gần gũi và tương đồng về lịch sử, văn hóa và tính cách của 2 dân tộc với nền văn hóa phong phú, đậm bản sắc dân tộc. Hai nước đoàn kết bởi những giá trị cốt lõi chung, như: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường chống ngoại xâm, sự cần cù, tinh thần sáng tạo và nhân văn sâu sắc…
Tuy nhiên, trước sự kiện quan trọng của chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, các đối tượng thù địch, phần tử phản động lưu vong lại gia tăng hoạt động xuyên tạc, chống phá… Cho rằng Việt Nam bắt tay với “tội phạm chiến tranh”, “tội phạm truy nã quốc tế”. Chúng xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, cho rằng “lãnh đạo Việt Nam đang mắc sai lầm nghiêm trọng” vì “đu dây”…
Những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, đối lập với chủ trương, đường lối ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta. Quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước đây và Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay được xây dựng trên nền tảng của tình hữu nghị truyền thống trong hơn 70 năm qua. Mối quan hệ giữa 2 nước luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và ảnh hưởng thăng trầm của thời đại. 74 năm trước, ngày 30/1/1950, Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ của Liên Xô đối với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam.
Và trong Tuyên bố chung Việt Nam - Liên bang Nga mới đây cũng đã khẳng định: Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trên tinh thần hữu nghị và ủng hộ lẫn nhau. Việt Nam và Liên bang Nga tin tưởng rằng, việc triển khai hiệu quả các phương hướng hợp tác và phối hợp hành động tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực sẽ góp phần củng cố và tăng cường thực chất quan hệ song phương, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước, đáp ứng lợi ích lâu dài của Nhân dân 2 nước; vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung…
Đất nước ta càng đạt được vị thế, uy tín, phát triển toàn diện (trong đó có lĩnh vực đối ngoại), thì các thế lực thù địch càng hằn học, tìm mọi cách chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, tập trung xuyên tạc đường lối ngoại giao toàn diện, hiện đại, đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Chúng kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, tạo tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, làm sai lệch nhận thức trong Nhân dân. Do đó, những luận điệu xuyên tạc chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, cũng như xuyên tạc chính sách ngoại giao của Việt Nam, chống phá nền ngoại giao, chống phá đất nước và Nhân dân Việt Nam là hết sức trơ trẽn, cần phải được đấu tranh, bác bỏ.
H.N