Trong bài báo, qua trao đổi, tiếp xúc, phóng viên được các hộ dân khẳng định, họ bán nếp cho chị, em bà Đặng Thị Thủy (ngụ ấp Phú Trung, xã Phú Thọ, Phú Tân) và bà Đặng Thị Phở (ngụ xã Phú Hưng) từ năm 2016. Tuy nhiên, việc mua, bán lại thông qua 2 người làm thuê là Lê Thị Lệ và Nguyễn Thị Mai (cùng ngụ ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ).
Đến Tết Nguyên đán 2017, nếp đã được giao, nhưng tiền lại bị khất lần, khất lữa. Phía bà Lệ, Mai khẳng định: họ cân lúa ăn tiền trên đầu ký, làm việc cho chị, em bà Thủy từ 1-5 năm. Thời điểm trên, nếp giống tiêu thụ chậm, bà Lệ phải đi năn nỉ, ký nhận nợ thay chủ. Lúc này, bà Thủy, Phở lại đổ mọi trách nhiệm trả tiền lên bà Lệ, Mai.
Anh Nguyễn Chí Hiền (ngụ ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ) cho biết, đã “vận chuyển số nếp của chị, em bà Thủy do bà Lệ mua của nhiều người, trong đó phần lớn là mua của 12 anh, chị em”.
Sau khi vụ việc vỡ lỡ, 12 nạn nhân, người liên quan đã làm đơn tố cáo, kêu oan đến nhiều nơi. Hiện, vụ việc được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Phú Tân cùng cơ quan bảo vệ pháp luật đang thực hiện các bước theo quy định của pháp luật.
Ngày 7-3, trong buổi tiếp xúc với 9 (trong tổng số 12) người dân làm đơn tố cáo, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường cho biết, Công an huyện đang xác minh, thu thập, làm rõ chứng cứ. Ông yêu cầu cơ quan điều tra cùng cơ quan bảo vệ pháp luật sớm xác minh, làm rõ, tìm hướng giải quyết về vụ việc.
Bà Nguyễn Thị Mai (thứ 2 bên trái qua) người cân nếp trình bày vụ việc
Trong khi đó, bà Thủy và bà Phở khẳng định, họ hoàn toàn không liên quan đến vụ việc trên. Bà Thủy bức xúc: “Gia đình tôi và Phở kinh doanh lúa, gạo ở huyện nhiều năm nay, thu mua lúa, nếp của người dân địa phương. Chúng tôi mua trực tiếp từ người bán, đưa tiền cọc trước, sau khi nhận hàng đủ thì thanh toán xong phần còn lại. Chính vì làm ăn đàng hoàng, chúng tôi có uy tín, được mọi người tin tưởng.
Gần đây, tôi có mua, bán nếp, lúa, gạo với Lệ, Mai, nhưng cả 2 không phải người làm thuê của tôi. Lệ mua nếp từ đâu tôi không rõ, lâu lâu đem đến bán cho tôi. Quá trình mua, bán tương tự như với người khác: thanh toán đầy đủ sau khi hoàn thành giao dịch, không làm hợp đồng hay giấy tờ gì, nhưng có các chủ máy sấy chứng kiến, biết rõ. Hiền là tài xế do Lệ thuê, không phải tài xế của tôi.
Khoảng tháng 2-2017, nhiều hộ dân ở các xã đồng loạt bị bà Lệ, Mai mua nếp. Số nếp này Lệ, Mai bán lại cho nhiều người, trong đó có chị, em tôi. Bán nếp xong, cả 2 không trả tiền cho các hộ dân. Các hộ dân đòi tiền thì 2 bà cho rằng “là cò” mua nếp của chị, em bà Thủy.
Sau này tôi mới biết, khi mua nếp của người dân, Lệ mượn tên tôi để tăng uy tín, khiến người dân tin tưởng, bán nếp cho bà. Khi cơ quan điều tra mời tôi cùng 12 hộ dân đối chất, rõ ràng tôi không biết họ, họ cũng không mua, bán trực tiếp với tôi.
Do vậy, việc tôi mua, bán với bà Mai, Lệ và việc họ mua, bán với ai để bán lại cho tôi là 2 giao dịch dân sự khác nhau. Tôi mong cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xác minh rõ vụ việc, tránh làm ảnh hưởng uy tín, danh dự và thiệt hại kinh doanh của chúng tôi”.
Về vụ việc này, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Tân thông tin: “Đây là 1 vụ giao dịch dân sự về mua, bán hàng hóa, nhưng không làm hợp đồng theo quy định, giấy tờ mua, bán thể hiện sơ sài. Khi sự cố xảy ra, các hộ dân đến địa phương báo tin, có cung cấp, bổ sung giấy tờ, chứng cứ liên quan.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện mời các hộ gửi đơn tố cáo, người liên quan làm việc rất khó, do phần lớn đã rời khỏi địa phương. Từ đó, việc điều tra, xác minh, làm rõ bị kéo dài.
Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhiều lần họp bàn tìm hướng giải quyết vụ việc, đồng thời mời các hộ liên quan, người làm chứng ghi nhận thông tin. Người lái xe giao nếp cung cấp một số giấy tờ thể hiện thời gian, địa điểm, đối tượng…
Theo quy định của pháp luật, giải quyết vụ việc có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thuộc thẩm quyền của tỉnh. Do vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật đang tổng hợp, báo cáo vụ việc đến tỉnh, xin chủ trương để tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo”.
Ở câu chuyện này, phía nào cũng bị ảnh hưởng về tài sản hoặc uy tín. Trong khi chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, Báo An Giang phản ánh vụ việc nhằm giúp người dân quan tâm, cẩn trọng hơn trong các giao dịch dân sự.
Ngoài việc tin tưởng, đặt lòng tin lẫn nhau sau nhiều năm làm ăn chung, mọi người cần phải chú ý thực hiện các hợp đồng, thủ tục mang giá trị pháp lý rõ ràng, đầy đủ, để tránh những bất trắc có thể xảy ra sau này, đồng thời chứng minh được thiệt hại hoặc quyền lợi chính đáng của bản thân.
PHÒNG BẠN ĐỌC