Ngày cuối tuần, dọc theo các khúc sông Long Xuyên không khó để gặp các “cần thủ”... chờ cá cắn câu.
Một đoạn trên đường Bùi Văn Danh, thuộc phường Đông Xuyên (TP. Long Xuyên), hàng chục “cần thủ” đang say sưa móc mồi, thả câu. Kẻ đứng, người ngồi, cùng chờ đợi cá dính câu và tám chuyện rôm rả.
Anh Lưu Thanh Trung (phường Đông Xuyên) cho biết: “Có người thích đi câu ngoài sông lớn, bởi có nhiều cá to. Riêng tôi chọn câu cá ở khu vực ven sông Long Xuyên, do có những loại cá tôi thích, ít tốn mồi câu, lại có bóng cây che mát và cà phê thư giãn…”.
Khi câu dính được cá, niềm vui tràn đầy trên gương mặt các "cần thủ". Những lúc như vậy, “bạn câu” xung quanh cũng… vui “ké”.
Kỹ năng đầu tiên của “cần thủ” là có phản xạ tốt. Lúc cá đớp mồi, phải kịp thời phát hiện dây câu rung lên. Người không có kỹ năng giật, thì dễ mất mồi (!).
Mỗi người có kiểu câu riêng của mình. Người thích câu mồi trùn, tép, rau, quả... Cần câu đã được thay thế bằng những loại tự động để hỗ trợ người câu, chứ không là còn những loại thủ công, được làm từ tre, trúc hay loại cần cuốn dây bằng tay. “Cần thủ” chuyên nghiệp phải có từ 5 đến 7 cây cần.
Bên cạnh đó, các “cần thủ” còn chuẩn bị đồ nghề và phụ kiện mang theo, như: Chì buộc, dây gân, lưỡi câu, bao lưới đựng cá…, để xử lý tình huống khi gặp sự cố.
“Phần lớn dân đi câu không vì sản phẩm thu được, mà là dành cho mình thời gian cho không gian tự do, gạt bỏ ưu phiền của cuộc sống. Như tôi, khi được cầm cần, ngắm phao, nhìn sóng nước lặng lờ là thấy lòng nhẹ đi…”- anh Hồng Tiền, ngụ huyện Châu Thành chia sẻ.
NGUYỄN HƯNG