Thủ phủ mắm Châu Đốc chào ngày hội lớn

20/04/2022 - 06:45

 - Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 (diễn ra tại TP. Châu Đốc từ ngày 20 đến 24/4/2022) được xem là cơ hội giới thiệu, khẳng định thương hiệu đặc biệt “Mắm Châu Đốc” của vùng sông nước miền Tây đến với du khách trong và ngoài nước. Đây còn là “một góc Việt Nam thu nhỏ”, khi tập hợp được đặc sản, đặc trưng văn hóa của các vùng, miền trong cả nước.

Tôn vinh nghề mắm

Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 (gọi tắt là Ngày hội mắm Châu Đốc) là dịp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường mở rộng giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh, giữa An Giang với các tỉnh, thành phố trong nước; quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc anh em Kinh - Khmer - Chăm - Hoa sinh sống tại An Giang…

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, Ngày hội mắm Châu Đốc diễn ra từ ngày 20 - 24/4/2022, gần với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, nên đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tham quan, vui chơi, thưởng ngoạn của du khách gần xa khi đến với thành phố du lịch Châu Đốc.

Ngày hội mắm Châu Đốc được tổ chức tại Quảng trường phường Châu Phú A và các tuyến đường Thủ Khoa Nghĩa - Chi Lăng - Bạch Đằng (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc). Ngày hội có quy mô 180 gian hàng của 150 đơn vị đến từ An Giang và 19 tỉnh, thành phố, chia làm 3 khu vực, gồm: Khu tái hiện đời sống văn hóa cộng đồng 4 dân tộc Kinh - Khmer - Chăm - Hoa, trưng bày giới thiệu đặc sản An Giang, đặc biệt là mắm Châu Đốc; khu triển lãm các tỉnh, thành phố; khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng của các tỉnh, thành phố.

Một trong những sự kiện đặc biệt tại Ngày hội mắm Châu Đốc là Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục “TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam Bộ nhất tại Việt Nam”. Ban tổ chức còn tôn vinh những cơ sở làm mắm có truyền thống lâu đời, xây dựng được thương hiệu mắm, sáng tạo trong việc đưa sản phẩm mắm đến với người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, tôn vinh các DN, cơ sở sản xuất mắm trên địa bàn tỉnh An Giang đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đạt các kỷ lục và tích cực tham gia các hoạt động của ngày hội.

Tạo sân chơi hấp dẫn

Ông Lê Trung Hiếu cho biết, trong khuôn khổ của ngày hội, bên cạnh các hoạt động tôn vinh nghề mắm Châu Đốc - An Giang, ban tổ chức còn thực hiện một số hoạt động nổi bật khác nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP - đặc sản các vùng miền cùng văn hóa đặc trưng của các tỉnh, thành phố, nhằm tạo không khí vui nhộn, thân tình và là sân chơi giữa DN với du khách.

Trong khuôn viên ngày hội sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ lúa gạo, thủy sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm du lịch, ẩm thực các địa phương, các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc. Du khách sẽ được thoải mái “check-in” với tiểu cảnh tái hiện và tôn vinh nghề làm khô, mắm truyền thống của người dân An Giang xưa - nay; triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của TP. Châu Đốc.

Ban tổ chức ngày hội còn phục dựng 4 gian nhà truyền thống kết hợp tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày - văn hóa văn nghệ - ẩm thực của dân tộc anh em Kinh - Khmer - Chăm - Hoa đang sinh sống trên địa bàn An Giang. Cùng với đó là gian hàng tái hiện đời sống văn hóa, kết hợp biểu diễn văn nghệ cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer - tỉnh Sóc Trăng; cồng chiêng - tỉnh Đắk Lắk, Tây Bắc; đờn ca tài tử - tỉnh Bạc Liêu; xiếc - tỉnh Long An…

Một trong những hoạt động thu hút khách tham quan là không gian văn hóa ẩm thực, giới thiệu các món ăn địa phương chế biến từ mắm và một số món ăn đặc trưng của An Giang. Cùng với đó là chương trình giao lưu văn nghệ giữa các đơn vị tham gia với du khách; tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian; hoạt động chấm giải “Gian hàng đẹp và ấn tượng”. Ngoài ra, còn có hội nghị kết nối giao thương chủ đề “Sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền gắn với thị trường tiêu thụ và hoạt động du lịch”.

Dự kiến, lễ khai mạc Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 sẽ diễn ra vào lúc 18 giờ, tối 20/4 tại sân khấu chính (Quảng trường phường Châu Phú A). Chương trình ngày đầu tiên (20/4) có biểu diễn cộng đồng và giao lưu văn nghệ các tỉnh, thành phố; ngày 21/4 là biểu diễn cộng đồng dân tộc Khmer Sóc Trăng và xiếc Long An; ngày 22/4 có biểu diễn cồng chiêng Đắk Lắk, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, uống rượu cần; ngày 23/4 là hoạt động giao lưu đờn ca tài tử Bạc Liêu - An Giang và các tỉnh, thành phố; ngày 24/4 tổ chức trao giải “Gian hàng đẹp, ấn tượng” và tổng kết ngày hội.

Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022, mở cửa từ 8 giờ sáng đến 21 giờ 30 phút hàng đêm, từ ngày 20 - 24/4, vào cổng miễn phí

 

 

NGÔ CHUẨN