Thủ tướng mới của Italy và những nhiệm vụ nặng nề không dễ giải quyết

03/06/2018 - 20:37

Nhiệm vụ mà vị Thủ tướng mới của Italy - luật sư Giuseppe Conte vừa mới nhậm chức hôm 1-6 vừa qua phải đối mặt, sẽ vô cùng nặng nề và khó khăn.

Ba tháng kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 4-3 vừa qua, Italy cuối cùng cũng đã có Thủ tướng mới, tạm thời chấm dứt những bế tắc chính trị sau bầu cử ở nước này.


Tân Thủ tướng Italy Conte. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, nhiệm vụ mà vị Thủ tướng mới của Italy - luật sư Giuseppe Conte vừa mới nhậm chức hôm 1-6 vừa qua phải đối mặt, sẽ vô cùng nặng nề và khó khăn, bao gồm việc thành lập Chính phủ mới cũng như giải quyết “núi nợ công khổng lồ” của nước này. 

Theo truyền thông Italy, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Conte trên cương vị thủ tướng là thuyết phục để hai viện Quốc hội nước này phê chuẩn danh sách nội các do ông đề cử tại các cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày mai (4-6) và ngày 5-6. Đây không phải một nhiệm vụ quá khó khăn do ông Conte nhận được sự ủng hộ của liên minh Liên đoàn phương Bắc và đảng Phong trào 5 Sao (M5S)-  hai lực lượng chính trị đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Tuy nhiên, giới quan sát dự báo, không loại trừ khả năng có một kịch bản khác - Đó là danh sách nội các lại bị từ chối như tuần trước đó khi Tổng thống Sergio Matarella kịch liệt phản đối vị trí Bộ trưởng Kinh tế Tài chính. Nếu kịch bản này lại xảy ra, nhiều khả năng, Italy sẽ phải tổ chức bầu cử sớm.

Một số nguồn tin cho biết, trong danh sách nội các lần này, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paulo Savona - nhân vật nổi tiếng với quan điểm hoài nghi châu Âu - vẫn được đề cử chức vụ Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Giáo sư Kinh tế Chính trị thuộc Đại học Tor Vargata Rome, ông Giovanni Tria, được đề cử giữ chức Bộ trưởng Kinh tế như một sự nhượng bộ. Một số tên tuổi khác như ông Enzo Moavero Milanesi được đề cử làm Ngoại trưởng; luật sư Giulia Bongiorno được đề cử làm Bộ trưởng Công chính.

Giới quan sát cho rằng một danh sách nội các như vậy thể hiện sự đan xen chấp nhận giữa Phong trào 5 Sao và Liên đoàn trong hệ thống quyền lực hành pháp.

Ngoài việc đề cử danh sách nội các, những nhiệm vụ không kém phần khó khăn mà Thủ tướng mới của Italy cũng sẽ phải đối mặt là đối phó tệ quan liệu và tham nhũng, khủng hoảng kinh tế, trong đó có bài toán nợ công của nước này.

Giáo sư kinh tế học thuộc đại học Sapienza, ông Umberto Triulzi nhận xét: “Trong 10 năm qua, Italy phải đối mặt với suy giảm đầu tư vì vậy, chúng ta không thể thành công trong cải cách tại Italy. Chúng ta có nhiều vấn đề lớn từ thị trường lao động đến tăng trưởng kinh tế và nợ công cần phải giải quyết.”

Ước tính “núi nợ công khổng lồ” của Italy hiện đã lên tới 2.700 tỷ euro, tương đương hơn 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Đây là mức cao nhất trong số các nước thành viên Liên minh châu Âu, ngoại trừ Hy Lạp và gấp đôi mức trần mà Liên minh châu Âu đã đặt ra cho các nước thành viên. Hiện Italy cũng là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong Khu vực đồng Eurozone, dự kiến chỉ đạt 1,4% trong năm nay và 8,3% dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm qua (2-6), Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi sự tôn trọng đối với chính phủ mới tại Italy song ông cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ mới tại Italy cần nỗ lực hơn nữa giải quyết những thách thức của đất nước trong đó có khoản nợ công của nước này. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu còn nhấn mạnh, ông không muốn nhắc nhở Italy về bài học đã từng xảy ra với Hy Lạp.

Theo HỒNG NHUNG (VOV)