Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh để cùng với các vùng kinh tế trọng điểm khác đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là cuộc làm việc thứ 4 của Thủ tướng trong gần 2 tuần qua nhằm kiểm tra các địa phương về việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (trước đó là các cuộc làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên).
Theo báo cáo tại hội nghị, với dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành năm 2019) đạt khoảng 933 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12,08% cho GDP cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm trên 1/3 của vùng và 34,6% GDP ngành nông nghiệp của cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế trung bình của vùng chỉ đạt 1,2% trong khi cả nước tăng 1,81%. Có 8/13 tỉnh tăng trưởng dương, trong đó, Đồng Tháp đạt 3,41%; Bạc Liêu hơn 2%; An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An tăng trưởng hơn 1%; 5/13 địa phương còn lại tăng trưởng âm.
Công nghiệp - xây dựng tăng 6,15% (đứng thứ 2/6 các vùng trên cả nước, chỉ sau vùng đồng bằng sông Hồng), trong đó nổi bật là Trà Vinh tăng 19,03%, gấp gần 2 lần tỉnh đứng thứ 2 là Bạc Liêu (10,02%) và đứng thứ 2 cả nước (sau Ninh Thuận tăng 82,38%). Các sản phẩm chủ lực của vùng gồm có chế biến thủy sản, hàng may mặc các loại, thức ăn chăn nuôi, điện, gạo các loại; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục đà tăng trưởng đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng công nghiệp.
Giải ngân vốn đầu tư công đến 30-6-2020 của 13 địa phương trên 19 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước 33,9%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 30%. Thống kê các địa phương theo tỷ lệ giải ngân thì tỉnh Tiền Giang, địa phương đang triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất 77,3% (đến ngày 15/7/2020 đã đạt hơn 80%, cao nhất cả nước).
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, để không đứt gãy nền kinh tế đặt ra càng nặng nề hơn với tất cả chúng ta, với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt mục tiêu kép, Thủ tướng nêu rõ.
Dẫn lại thông tin mới nhất về tình hình kinh tế thế giới với các diễn biến xấu, Thủ tướng cho biết, các đối tác quan trọng của Việt Nam đều gặp khó khăn, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng lớn. Trong bối cảnh đó, hôm nay, 1-8, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trên 85% dòng thuế được xóa bỏ. Điều này sẽ tác động tốt đến Đồng bằng sông Cửu Long, một trung tâm sản xuất lương thực, trái cây, thủy sản của Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn Đồng bằng sông Cửu Long với trên 20 triệu dân, với vị thế chiến lược, điều kiện tốt về kinh tế cần phấn đấu quyết liệt, đóng góp cho cả nước và giải quyết đời sống nhân dân.
Đây không chỉ là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản, là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước, nếu cả nước phát triển mà vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phát triển hay phát triển chậm hơn thì sẽ là trách nhiệm rất lớn của chúng ta - Thủ tướng nêu rõ.
Trong đó, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là việc rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh ở Đồng bằng sông Cửu Long có tỉnh giải ngân tốt nhưng có tỉnh lại giải ngân chậm. Thủ tướng nhấn mạnh, công việc từ nay đến cuối năm rất nặng nề, cả yêu cầu về chống dịch và phát triển, bảo đảm việc làm, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân.
Thủ tướng đề nghị cần có các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ 2020 ở địa phương một cách bứt phá. Về chống dịch, không được chủ quan. Cùng với đó là làm rõ các vướng mắc nào khiến giải ngân chậm trên địa bàn và ý chí, quyết tâm để thúc đẩy giải ngân. Các nút thắt, điểm nghẽn về môi trường kinh doanh cần tháo gỡ. Đồng bằng sông Cửu Long cần chuẩn bị sẵn điều kiện để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam cũng như đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng.
Nhấn mạnh đến vị trí và tầm quan trọng của vùng, Thủ tướng đánh giá cao nhiều địa phương làm tốt mô hình phát triển, làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cán bộ năng động, đoàn kết, có tầm nhìn, có trình độ, cùng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đánh giá cao Hội nghị đã đưa ra được những vấn đề lớn không chỉ của năm 2020 mà còn trong nhiệm kỳ tới, Thủ tướng hoan nghênh nhiều địa phương cam kết không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020; tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội địa phương.
Thủ tướng cũng chỉ ra bất cập như: Nhiều tỉnh phát triển còn thấp, nhiều địa phương tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, bị động, xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu đề ra, đồng bào nhiều nơi còn khó khăn. Bên cạnh đó, kết cầu hạ tầng còn chưa đầy đủ, tồn tại xã hội còn nhiều vấn đề cần khắc phục, thiếu đồng bộ...
Về những yêu cầu đặt ra, Thủ tướng nếu rõ Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm hỗ trợ các địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương trong vùng triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ an sinh xã hội, quan tâm phát triển hệ thống doanh nghiệp, quan tâm hơn nữa đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bình tĩnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy ý chí, tinh thần dân tộc. Áp dụng các biện pháp truy vết, bao vây ngay khi có dấu hiệu mắc COVID-19; thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng cần thúc đẩy mọi giải pháp để có thể tăng trưởng dương, GDP cố gắng không thấp hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng nỗ lực tối đa giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng chậm trễ như hiện nay. Ngoài kinh tế truyền thống, cần phát triển một số ngành mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số...
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp, tháo gỡ khó khăn tại từng địa phương. Đặc biệt, các tỉnh trong vùng cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng theo hướng đẩy mạnh liên kết nội vùng và Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 120; phát huy hiệu quả toàn vùng. Đi liền với đó là tăng cường các mô hình lúa chất lượng cao; vốn là thế mạnh của vùng với năng suất tốt; đẩy nhanh các khu công nghiệp, hình thành các cụm dịch vụ hiệu quả cao, nhất là các khu vực ven biển; Phát triển các khu công nghệ cao và tăng cường kết nối vùng du lịch Đồng bằng sông cửu Long.
Thủ tướng cũng đề nghị cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt tại đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại lễ ra mắt. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tại hội nghị, đã công bố Quyết định của Thủ tướng về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo QV (TTXVN)