Trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung trả lời phỏng vấn:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thưa Ngài Thủ tướng, tôi được biết Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã mời Ngài tham dự Hội nghị G7 trong tháng 6. Một trong chủ đề chính của Hội nghị là về biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch. Hiện các nhà đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Ngài có thể cho biết Việt Nam làm thế nào để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo? Một ví dụ là Việt Nam có nguồn dự trữ đất hiếm rất lớn. Vậy những nguồn này có thể được sử dụng để chế tạo pin phục vụ cho sản xuất năng lượng mặt trời ở Việt Nam hay không? Và theo đó Việt Nam có kế hoạch khai thác và chiết xuất nguồn dự trữ đất hiếm này như thế nào?
Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Ước tính công suất tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam có khả năng đạt khoảng 500 - 1.000 kWh/m2 mỗi năm và số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ ở nhiệt độ bình quân trên 21 độ C. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vào tháng 6/2017, tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000 MW, điện mặt trời khoảng 340.000 MW.
Bên cạnh năng lượng gió và mặt trời, Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nên có nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển sản xuất năng lượng sinh học. Với những tiềm năng to lớn này, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch.
Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia.
Một số mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo bao gồm: (i) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như đã tuyên bố cam kết tại COP21 Paris là giảm khoảng 5% vào năm 2020, và nếu được sự hỗ trợ quốc tế về nguồn lực sẽ giảm khoảng 25% vào năm 2030; (ii) Giảm sử dụng khoảng 40 triệu tấn than và 3,7 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2030; (iii) Tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030; (iv) Tăng tỷ lệ số hộ gia đình có các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời từ khoảng 4,3% năm 2015 lên khoảng 12% vào năm 2020, khoảng 26% vào năm 2030; (v) Tăng sản lượng nhiên liệu sinh học đáp ứng khoảng 13% nhu cầu nhiên liệu của ngành giao thông vận tải vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu nói trên, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi về đất đai, thuế, giá, bảo lãnh, khuyến khích hợp tác công - tư (PPP) nhằm thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong đó có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Theo Quyết định của Chính phủ, dự án điện mặt trời: (i) được miễn thuế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; (ii) được xem xét miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước; (iii) giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD… Hiện nay, Chính phủ cũng đang xem xét điều chỉnh giá điện gió để khuyến khích đầu tư trong giai đoạn tới.
Bên cạnh năng lượng tái tạo, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm. Việt Nam là một trong số các nước có trữ lượng đất hiếm lớn trên thế giới (đứng thứ 3 về trữ lượng) với tổng trữ lượng dự báo khoảng hơn 20 triệu tấn. Chúng tôi mong muốn hợp tác trong công tác nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ cao trong khai thác, chế biến sâu quặng đất hiếm nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Về chủ đề năng lượng sạch, việc đầu tư chiến lược cho phát triển năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, phục vụ phát triển và triển khai dự án phát triển năng lượng sạch hơn? Việt Nam có trông đợi thu hút đầu tư từ các nước G7 trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng nói chung hay không? Và nếu có Việt Nam sẽ lên kế hoạch như thế nào?
Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh năng lượng tái tạo trên cơ sở hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.
Việt Nam đang có quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều nước, trong đó có các nước G7, trong phát triển năng lượng tái tạo. Thực tế, nhiều nước trong G7 đều đang triển khai các dự án quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Ví dụ như: Nhà máy điện gió Mũi Dinh có tổng công suất 37,6 MW, với tổng vốn đầu tư 1.272 tỷ đồng do Công ty EAB của Đức làm chủ đầu tư; Nhà máy điện gió Tuy Phong (30 MW) với công nghệ của Đức, Nhà máy điện gió Phú Lạc (24 MW) với vốn và công nghệ của Đức và Đan Mạch.
Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và tạo thuận lợi cho tất cả các đối tác và tin tưởng rằng với tiềm lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư của các nước G7 sẽ có nhiều cơ hội để trở thành những nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Theo Báo Tin Tức