Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy-giai đoạn 2

30/08/2023 - 14:01

Chào mừng Quốc khánh 2-9 và 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), sáng nay 30-8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, cây cầu thứ tám bắc qua sông Hồng.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội cắt băng khánh thành dự án.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội cắt băng khánh thành dự án.

Đến dự có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội...

Cây cầu thứ tám bắc qua sông Hồng

Báo cáo tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Hà Nội là đô thị đặc biệt có mật độ dân cư lớn, lưu lượng tham gia giao thông ngày một tăng cao. Trong khi đó, hạ tầng giao thông chung vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng khung bao gồm các đường vành đai, các trục hướng tâm chưa được khớp nối, liên thông đồng bộ... Việc tập trung đầu tư, sớm đưa các công trình dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị hoàn thành vào khai thác, sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông là rất cấp thiết.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo quá trình triển khai dự án.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo quá trình triển khai dự án.

Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 nằm ở phía hạ lưu sông Hồng, song song và có hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 3.473m, trong đó phần cầu bao gồm 61 nhịp với chiều dài 3.123m, nhịp chính vượt dòng chủ dài 135m. Công trình khởi công tháng 1-2021 với tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai, đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn như trong mùa lũ, khi mực nước dâng cao phải dừng thi công và di chuyển máy móc, thiết bị để tránh lũ; dịch Covid-19 năm 2021 bùng phát trở lại, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội… Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, đến nay công trình đã hoàn thành bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị. Công trình đã được Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, hiện Hà Nội đã có 8 cây cầu kết nối hai bên hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng, bao gồm: Cầu Văn Lang (Ba Vì - Việt Trì), cầu Vĩnh Thịnh, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 và giai đoạn 2, cầu Thanh Trì. Trong số này, cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 hoàn thành năm 2010 và cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 hoàn thành hôm nay là các công trình do thành phố Hà Nội trực tiếp làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện bằng ngân sách thành phố. Điều này chứng tỏ năng lực, kinh nghiệm, là cơ sở để thành phố Hà Nội có thể triển khai thi công các công trình cầu khác bắc qua sông Hồng trong những năm tới như: Cầu Thượng Cát, Vân Phúc, Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, Hồng Hà, Mễ Sở…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các đơn vị thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các đơn vị thực hiện dự án.

Hoàn thiện Vành đai 2 theo quy hoạch

Thay mặt các nhà thầu, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) bày tỏ vinh dự khi được tham gia dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô. Ngay từ ngày đầu khởi công, tập thể cán bộ, công nhân viên liên danh nhà thầu Vinaconex - Trung Chính và các nhà thầu đã vượt qua khó khăn, tập trung nguồn lực, tận dụng tối đa điều kiện thời tiết để bảo đảm tiến độ; áp dụng các giải pháp thi công tiên tiến nhất; thi công “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm. Tất cả góp phần đưa dự án hoàn thành vượt tiến độ khoảng 6 tháng so với kế hoạch và giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với quá trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành dự án.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của thành phố Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành không gian phát triển mới, chuỗi các đô thị phía Bắc Thủ đô.

“Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn với nhiều hình thức đầu tư khác nhau và chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, những cây cầu mới, bến cảng, sân bay đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp khai thác được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, con người, văn hóa, xã hội...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự quyết tâm, quyết liệt, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, tư vấn, nhà thầu, nhân dân vùng dự án.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội cắt băng khánh thành dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội cắt băng khánh thành dự án.

Thủ tướng nêu rõ, kết quả và ý nghĩa của công trình này càng củng cố những kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng, đó là không có việc gì khó, quan trọng phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả. Tới đây, sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó là phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc.

Thủ tướng cũng cũng đề nghị thành phố phát huy nội lực, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, quyết tâm hành động từ các cấp, các ngành liên quan, các địa phương, từ đó có thêm kinh nghiệm triển khai các dự án lớn như đường Vành đai 4, nhất là các khâu thiết kế, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng. Sau công trình này, các cơ quan liên quan tổng kết, sơ kết đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành, nhất là trong việc huy động sức mạnh của nhân dân.

Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện. Khẩn trương nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông của thành phố Hà Nội, nhất là xử lý các điểm nghẽn giao thông, vệ sinh môi trường; phân bổ, quy hoạch lại dân cư để giảm tải ùn tắc ở khu vực trung tâm; trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên trong năm 2024, triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Đoàn xe đầu tiên qua cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2

Đoàn xe đầu tiên qua cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2

Đối với các dự án đang triển khai, Thủ tướng đánh giá dự án giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 cơ bản hoàn thành. Sau đây, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, giảm bớt thủ tục hành chính, triển khai đầu tư nhanh dự án phần đầu tư công; tiếp tục khởi công các cầu như Hồng Hà, Mễ Sở trong năm 2024; chú trọng vấn đề mỹ thuật công trình khi thiết kế, nhất là cây cầu ở Hà Nội cũng là một sản phẩm du lịch, nâng tầm văn hóa, điều kiện tự nhiên, xã hội, mang tính đặc trưng, xứng tầm với Thủ đô Hà Nội…

Theo TUẤN LƯƠNG (Hà Nội Mới)