Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Lào gặp gỡ doanh nghiệp hai nước

10/01/2022 - 19:45

Hiện Lào luôn đứng đầu trong danh sách 78 quốc gia mà Việt Nam có hợp tác đầu tư, trong khi Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 10-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Phankham Viphavanh đã gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Lào.

Cùng tham dự cuộc gặp gỡ có Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào và Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của hai nước; đặc biệt có sự tham dự của đại diện 60 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và 20 doanh nghiệp của Lào.

Báo cáo tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào cho biết Lào luôn đứng đầu trong danh sách 78 quốc gia mà Việt Nam có hợp tác đầu tư; Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào.

Hiện, Việt Nam có 209 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,18 tỷ USD. Năm 2021, có 5 dự án cấp mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký 112,84 triệu USD, tăng 27% so với năm 2020. Tính tới thời điểm này, vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,5 tỷ USD, bằng 48,4% tổng vốn đăng ký.

Nhiều dự án tiếp tục hoạt động đạt hiệu quả tốt thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các cơ quan nhà nước Lào, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động Lào, đóng góp quan trọng vào quá trình điều tiết nền kinh tế của Lào.

Kết quả ghi nhận nộp ngân sách Lào hơn 1 tỷ USD trong 5 năm qua, cũng như tài trợ cho hoạt động an sinh-xã hội tại Lào của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 80 triệu USD...

Tại cuộc gặp gỡ, các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ mối quan tâm đầu tư vào Lào trong các lĩnh vực như nông nghiệp; phát triển kinh tế số; các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm...

Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và các địa phương Lào tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính; có các quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của Lào; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào...

Các doanh nghiệp Lào vui mừng và tỏ rõ quyết tâm tiếp tục hợp tác tốt với các doanh nghiệp Việt Nam trên mọi lĩnh vực, nhất là trong hợp tác năng lượng, ngân hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp mong muốn phát triển dịch vụ logistics cụ thể hóa chiến lược “biến nước Lào từ một nước không có biển thành nước có biển”; mong muốn Chính phủ và các ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Lào đầu tư, phát triển...

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động, cảm nhận được hào khí từ của các doanh nghiệp trong việc triển khai kết quả các cuộc làm việc và cảm hứng được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước tạo truyền.

Thủ tướng khẳng định quan hệ Việt Nam-Lào là mối quan hệ đặc biệt có một không hai trên thế giới. Trước đây hai nước đã ủng hộ, giúp đỡ nhau giành độc lập, ngày nay hai nước cần hợp tác, cùng nhau phát triển kinh tế để nhân dân hai nước ngày càng ấm no, hạnh phúc; hai nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường.

Trong phát triển kinh tế, doanh nghiệp hai nước có vai trò quan trọng; góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước xứng tầm với quan hệ chính trị, truyền thống giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc chúng ta.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đầu tư sang Lào, ngoài sứ mệnh về kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn thực hiện sứ mệnh về chính trị; sứ mệnh về nghĩa tình, trách nhiệm, tri ân với các thế hệ đi trước; sứ mệnh đối với nền kinh tế độc lập, tự chủ của mỗi nước; vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước; vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn của nhân dân của hai nước.

Thủ tướng đề nghị trên cơ sở các chương trình hợp tác giữa hai nước đã được xác định, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước cần tăng cường kết nối Việt Nam-Lào, kết nối 3 nước Việt Nam-Lào-Camphuchia với khu vực và thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các đơn vị tập trung xử lý các tồn đọng, trên cơ sở khách quan, hiểu biết lẫn nhau, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tạo môi trường pháp lý minh bạch, môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; nghiên cứu có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.

Các doanh nghiệp hai nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung các văn bản thỏa thuận mà hai bên đã ký kết; lưu ý đầu tư, đẩy nhanh kết nối giao thông giữa hai nước, trong đó đầu tư cảng Vũng Áng để “biến” Lào từ nước không có biển thành nước có biển; đầu tư các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane...

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững, theo chiều sâu; không hy sinh môi trường, tiến bộ công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; nêu cao trách nhiệm xã hội, tạo việc làm, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2022 có nhiều cơ hội, thách thức đan xen, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có quyết tâm, quyết tâm cao hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực cao hơn nữa; đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã hiệu quả rồi, hiệu quả hơn nữa; mang lại lợi ích cho hai đất nước; xứng tầm với quan hệ đặc biệt giữa hai nước, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Thủ tướng Phankham Viphavanh cho biết gần 100 năm trước, hai đất nước Việt Nam-Lào cùng chung vận mệnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và đã sát cánh hỗ trợ nhau cùng giải phóng dân tộc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Giúp bạn là tự giúp mình."

Người đứng đầu Chính phủ Lào xúc động, khi đề cập sự hy sinh cao cả của quân tình nguyện Việt Nam đối với cuộc kháng chiến giành độc lập của Lào; nhiều liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt để trở về đất mẹ.

Thủ tướng Phankham Viphavanh bày tỏ đồng tình cao với những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời cho rằng Việt Nam-Lào đã từng chung một chiến hào trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho mỗi dân tộc; hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa... Những tình cảm đó còn đọng mãi trong tâm trí của người dân mỗi nước.

Thủ tướng Chính phủ Lào mong muốn tinh thần, tình cảm đó được phát huy trong phát triển hai nước ngày nay. “Ngày xưa Việt Nam có đoàn quân Tây tiến để đánh đuổi kẻ thù chung; ngày nay Việt Nam cần có đoàn doanh nghiệp Tây tiến sang Lào để thúc đẩy phát triển kinh tế," Thủ tướng Phankham Viphavanh nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cùng các đại biểu tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp hai nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng với giải đáp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ hai nước đề nghị các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất trực tiếp tới Chính phủ hai nước thông qua Ủy ban hợp tác liên Chính phủ hai nước, không thông qua các khâu trung gian để được giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Phankham Viphavanh cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước có đơm hoa, kết trái hay không một phần do doanh nghiệp hai nước. Doanh nghiệp là bộ phận không thể tách dời trong quan hệ hai nước. Do đó, doanh nghiệp hai nước cần hợp tác kinh doanh trên tinh thần bình đẳng, chân thành, cùng có lợi.

Hai Thủ tướng mong muốn Việt Nam sẽ đứng đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Lào đầu tư vào Việt Nam.

Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Phankham Viphavanh cùng chứng kiến trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Lào trên các lĩnh vực.

Theo PHẠM TIẾP (TTXVN/Vietnam+)