Thư viện đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được tổng hợp từ đề khảo thí của địa phương

12/03/2024 - 08:36

Từ năm 2025, các câu hỏi trong thư viện đề thi sẽ được lựa chọn từ đề khảo sát của các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường THPT. Đây là điểm mới nổi bật của đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.

Chú thích ảnh

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: TH

Các cơ sở giáo dục tham gia vào thư viện đề thi 

Thông tin này được ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra tại "Hội thảo Công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018", do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 11/3.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, đây được xem là tính mở khi xây dựng thư viện đề thi. Cụ thể, các đơn vị sẽ gửi câu hỏi hay, kèm kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ phân tích. Từ đó, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

"Đây cũng là điểm mới so với quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi hiện nay. Hiện, ngân hàng câu hỏi do nhóm chuyên gia soạn với 9 bước, bảo mật từ đầu đến cuối. Một số Sở GD&ĐT cho rằng cách làm này sẽ giúp công tác kiểm tra, đánh giá sát thực tế hơn", ông Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT sẽ có bộ phận đánh giá chất lượng câu hỏi bằng lý thuyết khảo thí. Kết quả đánh giá sẽ chỉ ra những điểm tốt, chưa tốt của các câu hỏi, gửi ngược trở lại cho các sở giáo dục và đào tạo để có sự điều chỉnh phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng câu hỏi kiểm tra, đánh giá.

"Trong công tác khảo thí, việc đánh giá mức độ đề nhiều khi có yếu tố chủ quan của người ra đề, nên chưa chính xác hoàn toàn. Do vậy, một ngân hàng đề sẽ chỉ có ý nghĩa thực sự và có tính khách quan nếu trải qua quá trình đánh giá, quá trình đó thể hiện ngay từ cấp sở và có thêm các đánh giá, chỉ báo từ Bộ GD&ĐT. Các câu hỏi chất lượng sẽ được Bộ đưa vào thư viện đề thi. Sau một năm tập hợp sẽ có số câu hỏi rất lớn từ các cơ sở giáo dục trên cả nước. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Đồng thời, tạo động lực cho các giáo viên, nhà trường, sở giáo dục trong việc nâng cao chất lượng câu hỏi thi, kiểm tra đánh giá", ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết. 

Điểm mới trong câu hỏi đánh giá

Đại diện Bộ GD&ĐT thông tin, đề thi sẽ bám sát nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn tiếp tục theo dạng tự luận, các môn còn lại gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn)  theo hình thức trắc nghiệm.

Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng với hai môn tự chọn.  

Với các môn trắc nghiệm, đề thi gồm ba phần. Phần I là các câu hỏi với 4 phương án, yêu cầu thí sinh chọn một đáp án đúng, thí sinh được 0,25 điểm nếu làm đúng mỗi câu. Phần II gồm các câu hỏi chọn đáp án đúng/sai, chọn chính xác, thí sinh sẽ được 0,1 điểm một câu, 0,25 điểm nếu đúng hai câu, 0,5 và 1 điểm nếu làm đúng 3 và 4 câu. Phần III gồm các câu dạng trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh tô chọn đáp án. Với môn Toán, mỗi câu đúng, thí sinh được 0,5 điểm, các môn khác là 0,25 điểm. 

Ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, với dạng câu hỏi đúng, sai sẽ có điểm mới trong đề thi tốt nghiệp THPT 2025. Đó là  dạng bài này này kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi, kết hợp với quy tắc tính điểm, tạo nên tính phân loại cao.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang làm đề thi theo tính đóng, từ khâu soạn thảo các phiên bản đầu tiên đều mời các chuyên gia đến khu vực riêng, sử dụng hệ thống an ninh bảo mật 24/7 trong suốt quá trình làm đề. Tuy vậy, vẫn khó thực hiện kín hoàn toàn. Thực tế đã có hiện tượng đề thi giống với câu hỏi ôn luyện thi bên ngoài. Bên cạnh đó, việc khó tiếp cận với Internet dẫn đến việc hạn chế trong tham khảo thông tin, dẫn đến hiện tượng đề thi giống với đề khảo sát của một số địa phương.

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp.

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Như vậy, số môn thi từ năm 2025 giảm xuống còn 2 môn, và số buổi thi giảm xuống còn 1 buổi. 

Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025, Bộ cho biết sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp. Ngoài ra, kỳ thi giữ ổn định hình thức thi trên giấy đến năm 2030, sau năm 2030 sẽ thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm.

Theo TTXVN

 

Liên kết hữu ích