Trong vấn đề Biển Đông, từng nước ASEAN có thể có lợi ích khác nhau, do vậy, cần bàn bạc với nhau để đi tới đồng thuận. Ảnh: TGVN
ASEAN đoàn kết nội khối, đồng thuận về lợi ích từ Biển Đông
Biển Đông là khu vực địa chiến lược rất quan trọng và đem lại lợi ích cho tất cả các nước ASEAN, gắn với hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải... Tuy nhiên, mỗi nước lại có lợi ích khác nhau, nên các nước cần phải có sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông nhằm thắt chặt sự đoàn kết. Năm 2012, ASEAN đã đưa ra Tuyên bố chung thể hiện rõ nội dung ASEAN mong muốn hòa bình, ổn định tại khu vực.
Theo ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khi có tranh chấp, chồng lấn chủ quyền, nếu các bên ứng xử với nhau mà vi phạm luật pháp quốc tế, làm căng thẳng tình hình thì sự ổn định và hòa bình chắc chắn bị ảnh hưởng và trở thành câu chuyện chung của cả ASEAN và các nước. Chính vì vậy, khi có tranh chấp, điều thiết yếu là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đồng thời, tuân thủ cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; thúc đẩy đối ngoại xây dựng lòng tin... nhằm không được để xảy ra tình huống phức tạp.
COC dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, các nguyên tắc đã được đề ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như đúc kết bài học và thực tiễn của DOC trong gần 20 năm qua. Chính vì vậy, mong muốn chung của các bên là COC có thực chất và hiệu quả cao, trở thành công cụ tốt để quản trị hành vi và rủi ro – đây cũng là điểm quan trọng nhất của COC.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, mặc dù sự đoàn kết nội khối ASEAN là rất cao, được quốc tế ghi nhận là tổ chức khu vực đoàn kết hàng đầu thế giới, nhưng không phải lúc nào các nước cũng có chung quan điểm. Vì vậy, để có được COC không hề dễ dàng. Trong khi xây dựng COC hiện nay, cần phải được thực hiện tốt việc giữ hòa khí, giải pháp hòa bình, thúc đẩy ngoại giao và chấp hành nghiêm DOC, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Vấn đề về Biển Đông sẽ cần phải được chú trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam nhằm củng cố môi trường hòa bình và phát triển chung của khu vực. Các nước sẽ cần tăng cường đối thoại, trao đổi để đạt được COC. Việc thúc đẩy vấn đề Biển Đông đều mang lại lợi ích chung và là mối quan tâm hàng đầu của ASEAN cũng như trong khu vực.
Đảm bảo lợi ích cốt lõi của dân tộc và lợi ích chung ASEAN
Trước thực trạng cạnh tranh biển đảo giữa các nước lớn, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Việt Nam với trọng trách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, ngoài việc thể hiện chính kiến của mình, Việt Nam còn cần phải thể hiện quan điểm chung của khối về vấn đề Biển Đông. Điểm mạnh của Việt Nam hiện nay là có được sự đồng thuận, đoàn kết nội khối rất cao để có thể đưa ra bản COC. Tuy nhiên, để COC có hiệu quả thực tiễn khả thi, mang lại sự hài lòng về lợi ích của các bên lại là điều rất khó khăn, nhưng bắt buộc phải làm.
ASEAN là cơ chế đa phương nên quan hệ quốc tế đa phương là nguyên tắc chung và cũng là nhu cầu chung. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện thành công thông điệp “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để hợp tác trên cơ sở phát huy mặt tích cực, đấu tranh để hạn chế mặt tiêu cực. Trong năm nay, Việt Nam cần phải tận dụng nhiệm kỳ Chủ tịch để thắt chặt sự đoàn kết nội khối trong cuộc cạnh tranh trước sức ép kinh tế, ngoại giao từ những nước lớn. Quan điểm xuyên suốt là hài hòa lợi ích cốt lõi của dân tộc và lợi ích chung của ASEAN.
Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Lê Đồng
Phân tích về phản ứng của Việt Nam đối với tình hình Biển Đông, chuyên gia người Nga Grigory Lokshin - cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) khẳng định, những chính sách hiện nay của Nhà nước Việt Nam là rất hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Việt Nam đã làm mọi thứ để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình tuân theo quy định quốc tế.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng đã nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của khu vực. Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang từng ngày nỗ lực dẫn dắt sự đoàn kết của Cộng đồng ASEAN để đưa ra những quan điểm chung, thống nhất cao chống lại những hành động gây hấn tại khu vực. Bên cạnh đó, trên cương vị là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, quốc tế cũng thấy rằng, Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế và trên thực tế đã giành được sự ủng hộ của hầu hết cộng đồng thế giới với chính sách mở cửa và đa phương, tạo nên thành công và có uy tín cao.
Theo THANH TRÚC (Báo Biên Phòng)