Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

12/06/2024 - 06:31

 - Ngày 31/5/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 250/TB-VPCP, yêu cầu sớm tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội có ý nghĩa kinh tế - xã hội (KTXH), đáp ứng nhu cầu nhà ở của hàng triệu hộ gia đình cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động (NLĐ) làm việc tại cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng; cặp gia đình trẻ tách hộ và người dân gắn với quá trình dịch chuyển địa điểm làm việc, nơi công tác.

Đồng thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và kích cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp; tạo động lực phát triển liên ngành và toàn bộ đời sống KTXH trên cả nước trước mắt và lâu dài.

Thông báo 250/TB-VPCP đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ, làm việc với các ngân hàng thương mại, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan, sớm có giải pháp phù hợp, hiệu quả, khả thi để tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng này, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương...

Trước đó, Quyết định 338/QĐ-TTg, ngày 3/4/2023 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có nêu: Trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so lãi suất cho vay trung dài hạn Việt Nam đồng bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Một số nhiệm vụ, mục tiêu thực hiện chính sách nhà ở xã hội tại Chỉ thị 34-CT/TW 2024, như sau: Phấn đấu đến năm 2030, cả nước xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị. Thực hiện quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập, hoặc trong các dự án nhà ở thương mại tại các vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với trung tâm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu.

Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội; có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng. Phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê.

Chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất ở cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm phù hợp quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương; kết hợp linh hoạt giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cá nhân.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội, nhất là về cơ chế tài chính, sử dụng nguồn lực, đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị, quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách thuế, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

Nhà ở xã hội và nhà ở được Nhà nước hỗ trợ tại các chương trình mục tiêu, nhà lưu trú công nhân bảo đảm về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu (y tế, giáo dục, văn hóa...).

Ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi và chủ động cho các địa phương trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội.

K.N