Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học

05/01/2021 - 08:56

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) trong các cơ sở giáo dục đại học (GDÐH) có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDÐH cũng góp phần nâng cao tiềm lực, phát triển mạng lưới các tổ chức, doanh nghiệp KH và CN.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), hoạt động KH và CN của các cơ sở GDÐH được đặt trong mối quan hệ mật thiết với hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Nhằm nâng cao năng lực công nghệ, Bộ GD và ÐT đã hướng dẫn các trường phát huy nội lực, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp để huy động các nguồn lực cho KH và CN, đổi mới sáng tạo. Nhiều đơn vị có công trình nghiên cứu nổi bật được tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao và ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả cao. Ngoài chương trình KH và CN quốc gia về khoa học giáo dục, Bộ GD và ÐT triển khai nhiều chương trình KH và CN cấp bộ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của các cơ sở GDÐH. Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GD và ÐT đã triển khai được 18 chương trình KH và CN cấp bộ, do các đơn vị có tiềm lực nghiên cứu mạnh chủ trì, tập trung vào hai lĩnh vực: khoa học kỹ thuật - công nghệ (bảy chương trình) và khoa học nông lâm ngư y (năm chương trình). Có bốn cơ sở đào tạo được thực hiện hai chương trình trong giai đoạn này là Trường đại học Xây dựng, Giao thông vận tải và các đại học Huế, Thái Nguyên.

Sinh viên Khoa Khoa học tự nhiên (Trường đại học Hùng Vương) nghiên cứu, thực hành hóa sinh học.

Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo, tính từ đầu năm đến ngày 10-12, cả nước có 17.028 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế trong danh mục Scopus, ISI (tăng hơn năm 2019 là 4.462 bài); trong đó, số bài báo quốc tế từ các cơ sở GDÐH là 16.346 bài. Ðáng chú ý, số lượng bài báo quốc tế là sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học cấp bộ của các đơn vị thuộc Bộ GD và ÐT đã tăng đáng kể trong những năm qua, trung bình 25%/năm. Ngoài ra, năm học 2019 - 2020, trong số 243 cơ sở GDÐH, viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ trên cả nước đã thực hiện 3.088 hợp đồng chuyển giao công nghệ, 67 bằng độc quyền sáng chế và 137 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Kết quả nêu trên là sự nỗ lực của các cơ sở GDÐH và ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, nâng cao tiềm lực KH và CN quốc gia góp phần phát triển mạng lưới các tổ chức và doanh nghiệp KH và CN, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế…

Quá trình triển khai hoạt động KH và CN xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tiêu biểu. Nhiều sản phẩm từ nghiên cứu được chuyển giao, thương mại hóa. Ðiển hình như TS Nguyễn Thành Nhân, giảng viên Khoa Toán - Tin học (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh), sau nhiều nỗ lực đạt được các kết quả nghiên cứu. Trong đó, từ đầu năm 2019 giữa năm 2020, TS Nguyễn Thành Nhân và cộng sự đã có chín bài báo được công bố hoặc nhận đăng trên các tạp chí toán học quốc tế thuộc danh mục ISI. Một số bài báo trong số đó là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2017 và đề tài trọng điểm cấp cơ sở các năm 2018, 2019… Cũng trong thời gian trên, TS Nguyễn Thành Nhân cùng cộng sự gửi đăng bảy bài báo trên các tạp chí ISI có uy tín khác…

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm (Ðại học Thái Nguyên) là cơ sở nghiên cứu được biết đến với nhiều sản phẩm khoa học được chuyển giao. Nhiều đề tài nghiên cứu không bắt nguồn từ ngân sách nhưng kết quả sản phẩm thương mại lại được bổ sung vào cho đầu tư nghiên cứu ban đầu. Hiện nay, Viện đã có gần 20 giống dược liệu quý của Việt Nam được bảo hộ và các văn bằng sở hữu trí tuệ, các quy trình công nghệ được chuyển giao cho các chương trình dự án cấp tỉnh và quốc gia nhiều năm qua. Hằng năm, Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp cung cấp từ 10 đến 15 triệu cây giống chất lượng cao cho các địa phương và đều là các giống có bản quyền thương mại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận…

Theo Báo Nhân Dân