Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa An Giang

09/01/2024 - 06:13

 - Thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Giang phát triển mạnh mẽ, đạt thành tựu quan trọng, trở thành trụ đỡ chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Để kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2020 - 2025) đạt hơn 5 tỷ USD theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, cần có những giải pháp đột phá trong nửa nhiệm kỳ còn lại và những năm tiếp theo.

Kim ngạch tăng trưởng

Theo Sở Công Thương An Giang, giai đoạn 2020 - 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng liên tục, ở mức cao: Đạt 3,467 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 7,95%, đạt 66% so Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra. Đáng chú ý, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt 1 tỷ USD. Đây là thành tựu ấn tượng khi đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh tế trong nước rất khó khăn. Doanh nghiệp (DN) của tỉnh vẫn vượt qua, tận dụng tốt cơ hội, mở rộng thị trường xuất khẩu, đóng góp nguồn lực cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.

Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, An Giang còn chú trọng, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu. Nhìn chung, các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều có kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, giữ được vị trí khá ổn định. Một số mặt hàng ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường khu vực lẫn thế giới, như: Gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh.

Điển hình, gạo xuất khẩu mang thương hiệu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vào chuỗi siêu thị Pháp. DN chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm khá nhanh. Nhờ đó, chất lượng hàng xuất khẩu bước đầu tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời, tác động tích cực tới chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước. Hiện nay, mặt hàng gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh xuất khẩu được thừa nhận đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế.

Cơ cấu hàng xuất khẩu dịch chuyển mạnh mẽ từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu hàng chế biến sâu. Sự dịch chuyển cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tích cực là tăng nhóm hàng công nghiệp chế biến. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng từ mức 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 lên mức 79% năm 2022.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo phân loại tiêu chuẩn thương mại quốc tế liên tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến. Điều này, tạo điều kiện cho hàng hóa An Giang tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa đa dạng và phát triển ổn định. Năm 2015, hàng hóa của An Giang có mặt tại 103 thị trường, quốc gia. Năm 2020, có mặt tại 105 thị trường, quốc gia. Đến năm 2022, có mặt trên 107 thị trường, nhưng vẫn tập trung ở khu vực Châu Á, như: Trung Quốc, Singapore, Philippines. Năm 2020 và năm 2022, bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn tăng trưởng dương, nhất là xuất khẩu sang thị trường thành viên Hiệp định RCEP, CPTPP...

Điều này chứng tỏ DN xuất khẩu đã tìm kiếm thị trường thay thế, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bù đắp sụt giảm kim ngạch ở thị trường truyền thống. Nhìn chung, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được khai thác hiệu quả, thể hiện ở việc gắn tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát hiệu quả hoạt động nhập khẩu. Đây cũng là định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của tỉnh trong nhiều năm qua.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo UBND tỉnh An Giang, mục tiêu chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là: Hoạt động xuất, nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt và vượt 5%/năm.

Hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài. Tiếp tục duy trì, phát huy thế mạnh giao thương khu vực biên giới.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Phát triển thị trường xuất, nhập khẩu, bảo đảm tăng cường bền vững trong dài hạn. Đồng thời, hoàn thiện thể chế tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất, nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại, hướng tới thương mại công bằng.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; quản lý, kiểm soát nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Nâng cao vai trò của hiệp hội DN và DN hạt nhân, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Đóng gói gạo xuất khẩu

Trong đó, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao. Phát triển mạnh liên kết kinh tế, tích tụ nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất hàng hóa theo chiều sâu. Hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thị trường quốc tế. Khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực tập trung, tạo nguồn hàng xuất khẩu quy mô lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh DN, sản phẩm xuất khẩu, nhất là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số của DN. Cùng với đó, đa dạng thị trường xuất khẩu, tập trung nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu, có tính dài hạn, khai thác thị trường đã có FTA với Việt Nam, ưu tiên khai thác thị trường nội địa. Phối hợp, lồng ghép nguồn lực hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương, gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu cho DN. Tăng cường thông tin, truyền thông trong xuất khẩu hàng hóa…

THU THẢO