Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây thống nhất một số vấn đề cần thực hiện từ ngày 16-7
Kiểm soát chặt người vào địa bàn tỉnh
Người dân đi ra đường phải có lý do chính đáng
Người giao hàng phải xuất trình hóa đơn chứng từ có liên quan
Hỗ trợ người khó khăn vượt qua đại dịch
Kiểm soát nhanh, chặt chẽ
Chiều 14-7, sau khi UBND tỉnh An Giang ban hành Công văn 694/UBND-KGVX về áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhiều người dân ở TP. Long Xuyên đổ xô đi mua sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm, dẫn đến việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ. Tuy nhiên, đến sáng 15-7, giá cả hàng hóa tại chợ cơ bản ổn định trở lại, không có tình trạng khan hiếm.
Ngay trong sáng 15-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các phường, xã và thành phố đồng loạt ra quân kiểm tra, nhắc nhở người dân, cơ sở sản xuất- kinh doanh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg. Qua đó, đã bố trí 34 chốt chặn tại chợ, địa điểm giáp ranh giữa các phường, xã để kiểm tra phương tiện, buộc quay đầu xe đối với trường hợp ra ngoài không đúng quy định.
Các tổ kiểm tra lưu động phòng, chống dịch bệnh phường, xã tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất- kinh doanh, nhắc nhở gần 350 trường hợp không thực hiện theo quy định; tạm dừng hoạt động đối với các bến đò ngang. Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra 416 cơ sở, trên 3.600 phương tiện các loại; cho cam kết, nhắc nhở 864 trường hợp vi phạm. Công an TP. Long Xuyên kiểm tra 587 cơ sở kinh doanh, 4.547 phương tiện các loại; lập biên bản vi phạm 64 trường hợp, buộc quay đầu xe 388 trường hợp… Tiếp tục duy trì hoạt động của Chốt kiểm soát dịch Vàm Cống, buộc quay đầu 251 phương tiện, cho khai báo y tế gần 8.000 người.
Bên cạnh đó, toàn thành phố cấp phát gần 1.800 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với tổng số tiền gần 270 triệu đồng. Thực phẩm, nhu yếu phẩm từ “Gian hàng 0 đồng” được phát tận tay người cần, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây, nhận định: “Nhìn chung, ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố đảm bảo quy định, nghiêm túc. Các tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo cùng chung sức, chung lòng, đồng thuận thực hiện quy định chung, tích cực đóng góp, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch, chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là điều rất đáng quý, chứng tỏ công tác tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị bước đầu đạt hiệu quả cao”.
Nhiều vướng mắc đặt ra
Sáng 16-7, UBND TP. Long Xuyên tổ chức họp trực tuyến với các phường, xã để nghe báo cáo khó khăn, vướng mắc phát sinh trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố. Nhiều ý kiến được đặt ra, xuất phát từ tình hình thực tế và phản ánh của người dân. Điển hình như: công nhân (ngụ ngoài địa bàn) đang làm việc tại các xí nghiệp, công ty, cơ sở kinh doanh ở TP. Long Xuyên thì có được phép đi lại không? Nếu có, thì cần phải có các loại giấy tờ cần thiết gì, cơ quan, đơn vị nào đủ thẩm quyền để cấp? Tiểu thương, hộ kinh doanh những mặt hàng thiết yếu ở chợ, người lao động tự do (thợ hồ, giao hàng…) là người ngoài địa bàn có bị hạn chế di chuyển phục vụ công việc hay không? Nông dân có đất sản xuất ở phường, xã khác, huyện khác có được ra đồng cho kịp vụ mùa thu hoạch? Công trình xây dựng dân dụng đang thi công dang dở, có buộc phải ngừng?
Trung tá Nguyễn Đức Hậu, Trưởng Công an TP. Long Xuyên, bày tỏ: “Nếu áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg một cách cứng nhắc thì rất khó khăn. Nhưng nếu trường hợp nào cũng “thông cảm”, giải quyết “du di”, thì không còn là Chỉ thị 16/CT-TTg. Tỉnh đã xác định rõ, việc giãn cách xã hội trong 10 ngày là cơ hội để khoanh vùng, kiểm soát, dập tắt dịch bệnh COVID-19. Nếu ai cũng muốn ra khỏi nhà vì lý do này nọ, thì không đảm bảo quy định. Các mặt hàng thiết yếu là hàng hóa cần phải sử dụng trong 10 ngày này, không thể không có, như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu… Người giao thực phẩm, vận chuyển lương thực đều được hoạt động, nhưng phải kèm hóa đơn chứng từ. Trong thời gian này, không cần thiết phải mua trang sức, quần áo, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ…, nên chúng tôi yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh này. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân đi lại mua hàng hóa thiết yếu, chứ không ngăn cản, làm khó dễ họ”.
Tuy nhiên, Long Xuyên đang gặp nhiều “cái khó”. Vì là trung tâm của tỉnh, nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh đứng chân trên địa bàn, nên lưu lượng cán bộ, công chức, viên chức đi làm hàng ngày rất lớn. Long Xuyên còn là trung tâm thương mại – dịch vụ lớn của cả tỉnh, với nhiều chợ đầu mối giao hàng khắp nơi. Hàng ngàn công nhân của công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh ra vào thành phố mỗi ngày. Đó là chưa kể hệ thống bệnh viện lớn cũng nằm trên địa bàn. Dừng 100 phương tiện, thì hết 98 người nêu lý do chính đáng. Chính vì thế, dù đang áp dụng giãn cách xã hội, lượng người lưu thông trên đường phố vẫn cao, việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ở TP. Long Xuyên vẫn chưa đạt như mong muốn.
Chung tay tháo gỡ “cái khó” của địa bàn
Qua các ý kiến báo cáo, đề xuất từ phường, xã, ngành chức năng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây thống nhất một số vấn đề cơ bản trước mắt để cùng thực hiện ngay. Theo đó, hiểu đúng tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg, người dân tạm thời dừng ra ngoài khi không cần thiết từ nay đến hết ngày 25-7. Địa phương tiến hành các biện pháp gần giống như “giới nghiêm”, nhưng chưa đến mức “phong tỏa”. Mọi cách thức thực hiện đều phải đảm bảo quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng không gây khó cho người dân.
Đối với công nhân, trường hợp đang sinh sống tại TP. Long Xuyên thì cho phép đi làm mỗi ngày, dưới sự xác nhận của UBND phường, xã. Nếu công nhân ở địa phương khác, chủ cơ sở, doanh nghiệp, công ty xác nhận danh sách gửi phường, xã. Đơn vị có số lượng công nhân lớn thì áp dụng “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ); đơn vị có quy mô vừa và nhỏ thì sản xuất, kinh doanh theo quy định, có sự kiểm tra, giám sát của địa phương. Nếu phát sinh vướng mắc, địa phương hỗ trợ các cơ sở tháo gỡ theo thẩm quyền.
Đối với tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu ở chợ có nhu cầu đi lại để bổ sung hàng hóa, đề nghị Ban Quản lý chợ và UBND phường, xã cùng xác nhận. Khuyến khích các địa phương phát huy sáng tạo, áp dụng các biện pháp quản lý khoa học, phù hợp tình hình thực tế địa bàn. Có thể nghiên cứu áp dụng mô hình “phiếu đi chợ” để hạn chế số lượng người dân đi mua hàng hóa mỗi ngày.
Người dân làm nông nghiệp trong địa bàn thành phố sẽ do UBND phường, xã xác nhận. Nhưng nếu di chuyển sang địa bàn khác hoặc người từ địa bàn khác vào TP. Long Xuyên thì phải tuân thủ quy định chung: phải có kết quả test COVID-19 còn thời hạn, khai báo y tế… Tương tự, việc lên xuống hàng hóa ở chợ đầu mối thủy – hải sản cũng phải chặt chẽ. Người giao hàng cung cấp kết quả test COVID-19, đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch thì mới được phép cho lên xuống hàng hóa.
Đặc biệt, đối với các công trình xây dựng dân dụng, UBND phường, xã có trách nhiệm vận động, tuyên truyền chủ công trình tạm dừng trong 10 ngày này, cùng chung tay phòng, chống dịch với địa phương. Trường hợp công trình buộc phải tiến hành theo kế hoạch, đề nghị chủ công trình giảm quy mô, số lượng công nhân tại công trình, áp dụng thông điệp “5K” theo quy định. Đồng thời, báo cáo số lượng, danh tính công nhân tham gia công trình để UBND phường, xã xác nhận.
“Cùng với đó, kể từ ngày 17-7, UBND thành phố thực hiện kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng đối với các nhóm đối tượng, các địa điểm có nguy cơ cao nhằm tận dụng triệt để 10 ngày giãn cách để ngăn chặn, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả, không để tiềm ẩn F0 trong cộng đồng, làm “trong sạch địa bàn”. Quá trình thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg, phát sinh vướng mắc ở đâu, chúng tôi sẽ nỗ lực tháo gỡ đến đó” – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây thông tin.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH