Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

04/06/2024 - 06:46

 - An Giang có gần 98.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với hơn 27.000 hộ, chiếm tỷ lệ 5,13% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh quan tâm sâu sát, lãnh, chỉ đạo, thực hiện các quy định của Trung ương về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả.

Thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện.

Đồng thời, chỉ đạo BHXH huyện tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia BHYT, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng 70%, đồng bào DTTS tự đóng 30%. Trong đợt triển khai, vận động được 15.144/15.490 người tham gia, đạt tỷ lệ 97,8% so tổng số đồng bào DTTS trên địa bàn chưa được gia hạn thẻ BHYT.

BHXH tỉnh kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp gần 500 triệu đồng. Số tiền vận động được, BHXH tỉnh phối hợp chính quyền địa phương, nhà hảo tâm tổ chức tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn tại 5 huyện, tổng số 9.276 thẻ (mức hỗ trợ 30%/thẻ/3 tháng) với số tiền trên 150 triệu đồng.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên tham gia  bảo hiểm y tế

Từ năm 2021 đến nay, BHXH tỉnh cấp thẻ 389.435 BHYT cho đồng bào DTTS. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng cho 280.513 người, hỗ trợ 70% mức đóng cho 21.922 người, hỗ trợ 30% mức đóng cho 40.367 người, còn lại 46.633 người DTTS tự đóng. Hiện, còn 12.331 người DTTS chưa được cấp thẻ BHYT.

Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn cho biết, để đồng bào DTTS thụ hưởng chính sách BHYT, hàng năm, BHXH tỉnh phối hợp UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê người DTTS thuộc diện được cấp thẻ BHYT, đề nghị cấp thẻ BHYT kịp thời, đúng đối tượng.

Hàng tháng, các địa phương rà soát, lập danh sách các trường hợp phát sinh tăng mới hoặc phát sinh giảm do chết, chuyển đi nơi khác… đề nghị BHXH cập nhật tăng, giảm. Mặt khác, do việc phối hợp kiểm tra, rà soát chặt chẽ đối tượng tham gia BHYT ngay từ khi phát sinh tăng mới và cấp thẻ BHYT, nên giảm tối đa việc cấp lại thẻ BHYT do sai thông tin.

BHXH tỉnh cho biết, từ năm 2021-2023, có 75.142 lượt người DTTS (thuộc nhóm được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT) khám, chữa bệnh BHYT, số tiền chi trả gần 42 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2024, có 9.397 lượt người DTTS khám, chữa bệnh BHYT, số tiền chi khám, chữa bệnh BHYT trên 5,8 tỷ đồng.

Để đạt kết quả đó, theo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ tỉnh đến huyện quan tâm, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các quy định về chính sách BHYT cho DTTS. Công tác thông tin, tuyên truyền phát huy được tính đa dạng, sáng tạo với nhiều hình thức truyền thông mới. Từ đó, góp phần lan tỏa sâu rộng tính ưu việt, nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT trong cộng đồng, đặc biệt trong đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc khiến 77.660 người không còn được ngân sách Nhà nước đóng BHYT; trong đó nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn chưa tham gia lại BHYT. BHXH tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

Tính đến cuối năm 2022, đã vận động được 27.539 người tham gia, còn lại 50.121/77.660 người bị giảm thẻ chưa tham gia lại. Nhiều người DTTS không có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của gia đình. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về bãi bỏ các Nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực y tế; toàn tỉnh có 11.243 học sinh, sinh viên DTTS không được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT...

An Giang là tỉnh nông nghiệp, người DTTS chiếm tỷ lệ 5,13% so dân số, phần lớn điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, cần phải có chính sách hỗ trợ đóng BHYT, phòng rủi ro không may đau ốm sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội và nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đến năm 2025 là 95%. UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục xem xét, hỗ trợ mức đóng BHYT giai đoạn 2024 - 2025 theo Khoản 3, Điều 8 Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, để thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đối với đồng bào DTTS đạt hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các ngành chức năng, BHXH tỉnh phải được cung cấp đầy đủ danh sách, dữ liệu của đồng bào DTTS để tổ chức thực hiện và đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động. Đề xuất UBND tỉnh xem xét, có cơ chế chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người DTTS chưa tham gia BHYT (ngoài các đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ). Tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, đưa chỉ tiêu thực hiện BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; xem việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng và chính quyền.

Cùng với truyền thông chính sách BHYT “đa dạng, linh hoạt, hiệu quả” trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp trong cấp ủy Đảng, sinh hoạt chi bộ và địa bàn dân cư, tạo sự lan tỏa về tính ưu việt của chính sách. Tổ chức các chiến dịch, đợt ra quân, tháng cao điểm, hội nghị truyền thông… tại các địa bàn dân cư, nhất là vùng đồng bào DTTS sinh sống.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế đối với người có thẻ BHYT; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Triển khai hệ thống mạng lưới tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT...

HẠNH CHÂU