Tuy nhiên, trên thực tế, quyền hành của họ đến đâu lại là chuyện khó nói, nhất là với những đơn vị xã hội hóa.
Cái cần nhất là lòng tin
Sân khấu đang trong giai đoạn trầm lắng và vì thế, như hệ quả đương nhiên, các đạo diễn sân khấu cũng đang gặp khó khăn rất nhiều. Hiện nay, nếu kể tên các đạo diễn đang ổn định phong cách qua các vở diễn thành công trên sàn diễn của các kịch chủng Việt Nam, những cái tên để người làm nghề cũng như đông đảo khán giả công nhận như những đạo diễn quá nổi tiếng ở thế hệ trước, quả thật là việc không dễ dàng. Thế hệ đạo diễn hiện đang hành nghề hầu hết được đào tạo ở trong nước - khác với các thế hệ trước đa phần được đào tạo tại nước ngoài. Sản phẩm F mấy trong công nghệ đào tạo, nhất là đào tạo nghệ thuật có nhiều khác biệt, chẳng ai dám mạnh dạn khẳng định hơn thua, nhưng nếu chỉ xét ở tiêu chí "lòng tin" để từ đó các đạo diễn được đào tạo trong nước đạt tới thương hiệu cần thiết, hoàn toàn không dễ.
Một trong những lý do được các đạo diễn mới hiện nay (gọi thế vì tên họ còn mới ở địa hạt đạo diễn) đồng thanh "kêu" chính là lòng tin ở thế hệ đi trước, ở các lãnh đạo đơn vị, người có quyền quyết định giao vở, giao việc vẫn rất rụt rè, đắn đo khi lựa chọn họ là người dàn dựng tác phẩm cho đơn vị mình. Nhiều đạo diễn trẻ tự tin khẳng định, thế hệ các anh không thua kém các thầy đi trước, nhưng rất buồn là còn ít người tin vào họ, dù họ đã có những thành quả nhất định. Vì thế khi phải lựa chọn, các lãnh đạo đơn vị vẫn đắn đo và không tin tưởng, nhất là các vở kịch kinh điển. Những đạo diễn trẻ này cho rằng, các kịch bản kinh điển quá hay rồi, chỉ cần thoại lên đã hay, lại được ăn vận đúng kiểu, có được trang trí tốt thì không thể coi là khó khăn để đạt tới thành công, vậy nhưng rất khó để thuyết phục được các lãnh đạo đơn vị để được nhận trách nhiệm vinh quang này.
Cảnh trong vở Như thế là tội ác do đạo diễn trẻ Trịnh Mai Nguyên, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.
Lý giải vì sao đạo diễn trẻ hiếm có được cơ hội thể hiện mình, Giám đốc một nhà hát chia sẻ: "Ðối với các nhà hát thì mỗi năm vài ba vở đã là cả gia tài nên không ai dám trao vở diễn vào tay những đạo diễn non kinh nghiệm. Ðể không rơi vào tình trạng "xôi hỏng bỏng không", các nhà hát thường mời các đạo diễn tên tuổi, đã có uy tín trong nghề. Cứ thế, lớp trẻ bị lấy mất đi cơ hội". Chính vì thế, câu hỏi đau đáu của các đạo diễn trẻ vẫn là: sao lại không tin vào chúng tôi?
Các đạo diễn thế hệ mới buồn và chán nản còn bởi cách hành xử của nhiều người trong thế hệ đàn anh khiến họ hầu như không có cơ hội làm nghề theo đúng cách thức cần có. Có đạo diễn cho hay, tuy được giao dựng vở, nhưng mọi đề xuất chi phí vẫn phải chờ duyệt, khác hoàn toàn với những đạo diễn có "quyền lực" khác. Nếu đạo diễn là "sếp", mọi việc được họ mạnh dạn quyết, bên dưới răm rắp nghe theo, cho nên việc dàn dựng vở cứ thế mà chạy băng băng. Trong khi đó, nếu là đạo diễn mới, sẽ là cân nhắc, nâng lên đặt xuống để rồi lại kêu gọi "cố gắng dựng vở trong khoảng này thôi nhé". Vậy thì lấy đâu ra hào hứng, tâm sức để làm nghề? Cùng với tâm sự này là ý kiến thẳng thắn của đạo diễn, NSND Tuấn Hải, với những đắng đót trong nghề. Anh mạnh dạn nói lên điều mà bấy lâu nhiều người biết, nhưng người ngoài thì không tỏ, cho nên không dám khẳng định, kẻ trong cuộc thì vì nhiều lẽ, âm thầm chịu đựng. Ðó là việc một số lãnh đạo đơn vị nghệ thuật vì cá nhân chủ nghĩa lợi dụng vị trí của mình để "đóng cửa" với những nghệ sĩ khác. Nếu là đạo diễn, chỉ tiêu mỗi năm đơn vị được dựng bao nhiêu vở thì lãnh đạo sẽ "bao" hết. Nếu là tác giả, các kịch tác gia khác sẽ khó lòng mà đưa kịch bản của mình vào đơn vị được, cho nên kịch của "sếp" dù chưa hay nhưng diễn viên vẫn phải tập, phải diễn... NSND Tuấn Hải cho biết, thậm chí xảy ra trường hợp có đạo diễn không có cơ hội để dàn dựng vở ngay tại nơi mình công tác, đành ngậm ngùi trông chờ vào sự tin yêu của những đơn vị bạn hoặc cố gắng tự thân vận động nhờ vào uy tín cá nhân để được lao động nghệ thuật. Ðó còn chưa kể, những hiểu lầm của người cùng nghề về quyền lực của đạo diễn. Với bối cảnh thưa vắng người xem như hiện nay, thù lao diễn xuất "bèo bọt" các anh các chị còn phải cố gắng dùng nhiều cách để giữ chân diễn viên cho tác phẩm của mình.
Ðiều kiện để phát huy
Trong bối cảnh xã hội hiện tại, thị hiếu khán giả ngày nay thật khó đoán định, "trăm người, trăm ý thích", khiến người sáng tạo rất khó nắm bắt thị hiếu để đón đầu. Người xem hôm nay không còn tâm thế bình tĩnh thưởng thức nghệ thuật mà như luôn nóng vội khiến các đạo diễn chỉ còn cách xé nhỏ tác phẩm ra để phục vụ, làm những món ăn nghệ thuật theo kiểu "mì ăn liền". Thế là hàng loạt các đạo diễn, đặc biệt là các đạo diễn phía bắc nếu không muốn chờ đợi mòn mỏi để được dựng những tác phẩm "để đời" đành chấp nhận dựng tiểu phẩm nhỏ, xây dựng những tiết mục cho phong trào không chuyên... gây dựng dần thương hiệu cho mình, mong đến lúc nào đó được giao nhiệm vụ lớn hơn...
Sinh thời, GS, TS, NSND Ðình Quang chỉ ra nhiều khó khăn trong quá trình làm nghề của đạo diễn sân khấu ở Việt Nam, khi cái khó trong đào tạo đạo diễn giỏi như được nhân lên nhiều lần. Ðạo diễn là nghề tổng hợp, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, vì thế, muốn giỏi phải đọc nhiều tài liệu, xem nhiều vở kịch hay, được cọ xát với thực tế và phải luôn được tiếp thu những đánh giá, góp ý chất lượng. Song môi trường nghệ thuật nước ta chưa có nhiều điều kiện đó, công chúng không mặn mà mua vé vào xem kịch, đạo diễn phần nhiều vấp phải rào cản về ngôn ngữ khi tìm kiếm những điều thiết thực đang đặt ra trong đời sống nghệ thuật, với những vấn đề có quy mô quốc tế. Không ít người chỉ biết Việt Nam tụt hậu so với sân khấu nước ngoài về nhiều mặt, nhưng chúng ta không biết đích xác sân khấu nước ngoài làm gì để phát triển như vậy và hiện nay tiến bộ đến đâu… Thêm vào đó là hàng loạt các điều kiện vật chất khác, khiến những sáng tạo bay bổng của các đạo diễn đành phải "hạ cánh" nếu không muốn "đứt dây" ngang chừng.
Phần lớn các đạo diễn hiện nay đang được coi là những gương mặt triển vọng là những người trở thành đạo diễn sau khi đã là những diễn viên giỏi nghề, đem lại lợi thế không nhỏ bởi mọi sự bếp núc sau sàn diễn đã quá quen thuộc, lại có thể thị phạm một cách rành rẽ cho diễn viên, có uy tín và bản lĩnh nghề nghiệp… Những tưởng, tất cả là lợi thế lớn cho công việc mới của họ như giới nghề phân tích, nhưng sự thật thì họ đã gặp rất nhiều khó khăn. Cứ mỗi khi một thế hệ đạo diễn mới ra trường, người ta lại hy vọng rồi… thất vọng. Ðã không ít sinh viên đạo diễn có được vở diễn đầu tay đầy ấn tượng rồi mất tăm. Bởi dù đã được gọi là đạo diễn nhưng cơ hội để làm nghề hoàn toàn chưa thật sự rộng mở đối với những ai chưa tạo được thương hiệu cho mình, nhất là trong vai trò đầy quyết định này. Tất cả những điều đó đang là nỗi băn khoăn của không ít đạo diễn từng quyết tâm dành một thời lượng không nhỏ cả về thời gian và vật chất để đeo đuổi học nghề rồi lại mắc mớ với câu hỏi: Liệu cái gì đang ở trước con đường đi đến sự chinh phục thành công với nghề nghiệp? Không ít đạo diễn đành từ bỏ sân khấu kịch để bắt tay với truyền hình hay điện ảnh. Nhưng, những người quyết sống chết với nghề họ vẫn đang gắng gỏi trên con đường đòi hỏi nghị lực phi thường của họ bởi cũng đã có những tấm gương thành công hoặc đang thành công từ xuất phát điểm tương tự như họ…
Chỉ vài chục mét vuông sàn diễn nhưng đòi hỏi phải chuyển tải đầy đủ những hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Thật chật hẹp, thật gò bó nhưng cũng rộng lớn đến không ngờ. Tất cả những nghịch lý đó, từ ngàn xưa vẫn tồn tại và vẫn song hành cùng sân khấu. Sân khấu có tiếp tục tỏa sáng, tiếp tục trở thành món ăn tinh thần được ưa thích của công chúng hay không, trông chờ rất nhiều vào sự đổi mới, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của các thế hệ đạo diễn đang tiếp đuốc, thắp sáng ngọn lửa nghệ thuật.
Theo CAO NGỌC (Báo Nhân Dân)