Diễn ra vào thời điểm mối quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất, sự đối đầu Nga - Mỹ đang diễn ra trên một loạt các vấn đề, tại nhiều khu vực địa chiến lược trên thế giới. Dư luận kỳ vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cùng tạo ra bước ngoặt, từng bước xóa bỏ thái độ thù địch để tháo gỡ dần những mâu thuẫn.
Lãnh đạo Nga - Mỹ tại cuộc họp báo chung tại Helsinki. (Ảnh: Reuters)
Cuộc gặp thẳng thắn
Tối 16-7, (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ tại thủ đô Helsinki của Phần Lan đã kết thúc sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành họp báo chung.
Tổng thống Nga Putin đánh giá Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông và người đồng cấp Trump đã diễn ra thành công và trong một bầu không khí thẳng thắn, xây dựng.
Theo nhà lãnh đạo Nga, Chiến tranh Lạnh đã qua đi từ lâu và giờ là thời điểm Washington - Moscow cùng nhau giải quyết những vấn đề then chốt. Theo đó các vấn đề mà Tổng thống Putin đã thảo luận với nhà lãnh đạo Mỹ là về khả năng hợp tác chống khủng bố của hai nước, tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria.
Tổng thống Putin cũng đã đề nghị với Tổng thống Trump các bước đi cụ thể nhằm thiết lập mối quan hệ song phương về lâu dài. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thành lập một nhóm quan chức cấp cao chung phụ trách nhiệm vụ gắn kết công đồng lãnh đạo doanh nghiệp hai nước.
Liên quan tới cáo buộc Nga tấn công cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định Nga chưa bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ. Ông Putin cho biết thêm ông cũng đã bày tỏ quan ngại của Moscow liên quan tới việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Một trật tự thế giới mới?
Trước cuộc gặp thượng đỉnh này, các nhà phân tích đều cho rằng Mỹ - Nga khó có thể đạt được đột phá nhằm phá vỡ tình trạng đối đầu hiện nay.
Tuy nhiên, phóng viên VOV thường trú tại Moscow cho biết, dư luận Nga đã đánh giá tích cực về cuộc gặp Thượng đỉnh lần đầu tiên này của 2 nhà lãnh đạo. Chủ tịch Hội đồng LB Nga Valentina Matviyenko cho rằng, bầu không khí tin cậy đã hình thành giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước. Theo bà, hai bên có những bất đồng về hàng loạt vấn đề, nhưng điều này đã được nói tới với sự tôn trọng quan điểm của đối tác.
Bà Matviyenko nhấn mạnh, cuộc gặp của Tổng thống Mỹ và Nga đã được chờ đợi từ lâu. Nó đóng vai trò quan trọng không chỉ để thiết lập, khôi phục đối thoại chính trị, các mối quan hệ song phương bình thường, mà còn có ý nghĩa lớn đối với thế giới, sự ổn định của thế giới. Bà coi kết quả hội nghị thượng đỉnh là đã đạt được một bước để thiết lập đối thoại chính trị giữa các nước.
Cũng theo bà Matviyenko, không thể có ngay kết quả cụ thể sau cuộc gặp này, mà cần tiếp tục kiên trì đối thoại. Bà nhấn mạnh, sự bắt đầu đối thoại của hai nhà lãnh đạo đã là tín hiệu rất tốt, cho thấy, hai bên đều có lợi ích chung và mong muốn lắng nghe nhau.
Còn Chủ tịch Viện quốc tế về nghiên cứu phân tích toàn cầu Tiberio Graziani thì nhìn nhận rằng, cuộc gặp thượng đỉnh của các tổng thống của hai cường quốc lớn nhất sẽ là khởi đầu của một chương mới trong quan hệ của hai nước.
Theo ông, cuộc họp cũng có thể bắt đầu một trật tự thế giới mới. Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ mang lại lợi ích cho Washington và Moscow. Hơn nữa, Hội nghị Thượng đỉnh cũng nhằm chống lại các nhóm áp lực tìm cách hạn chế quyền tự do hành động của Trump trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là về ý định cải thiện quan hệ với Moscow. Đối với Nga và Tổng thống Putin, cuộc họp ở Helsinki chắc chắn đã thành công.
Tham vọng của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất trông đợi vào cuộc tiếp xúc chính thức với người đồng cấp Nga Putin nhằm tái khởi động lại quan hệ giữa hai cường quốc này.
Theo như những gì ông Trump phát biểu ở cuộc họp báo chung với Tổng thống Putin thì rõ ràng hai bên chưa đạt được gì cụ thể hay thống nhất trong một vấn đề nào đó trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế.
Hai bên mới chỉ dừng lại ở mức tuyên bố ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Cả hai đều cho rằng họ đã có “một cuộc đối thoại trực tiếp, cởi mở và mang tính xây dựng sâu sắc” và bàn về các bất đồng lâu nay giữa hai nước và mọi việc tiến triển rất tốt.
Ông Trump nhấn mạnh, mối quan hệ Nga - Mỹ chưa bao giờ ở mức tồi tệ như trước khi ông gặp Tổng thống Putin song, ông tin tưởng, mọi chuyện đã thay đổi sau cuộc gặp với ông Putin. Nói một cách khác, quan hệ song phương sẽ được cải thiện sau Hội nghị Thượng đỉnh ở Helsinki.
Theo ông Trump, các hoạt động ngoại giao với Nga là cần thiết mặc dù chúng có thể không được ủng hộ về mặt chính trị, ám chỉ đến việc một số nghị sĩ Dân chủ mới đây đã kêu gọi ông hủy cuộc gặp với lãnh đạo Điện Kremlin.
Về mặt cá nhân, điều ông Trump đạt được đó là khẳng định mối quan hệ cá nhân của ông với Tổng thống Putin, thậm chí còn khen ngợi ông Putin là người cạnh tranh.
Có thể thấy, xuyên suốt cuộc họp báo, cả hai đều không nêu cụ thể đã đạt được những gì trong quan hệ song phương hay các bước đi tiếp theo. Thậm chí sau cuộc họp báo cũng không có tuyên bố chung nào được ký kết giống như cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng trước.
Và như Tổng thống Trump tuyên bố đây chỉ là bước bắt đầu của một quá trình dài để hai bên cùng nhau giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Tính toán sai lầm của ông Trump?
Có quan điểm cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng cuộc gặp thượng đỉnh này coi như cơ hội để củng cố hình ảnh trong nước, để chứng minh rằng ông đang đưa mối quan hệ với Moscow trở lại đúng hướng. Ông Trump làm như vậy bất chấp việc nhiều tiếng nói trong dư luận Mỹ vẫn đang thù địch với Nga.
Tuy nhiên, phóng viên VOV thường trú tại Washington không cho rằng Hội nghị này sẽ giúp ông Trump được nhiều trong việc củng cố hình ảnh trong nước, hay ngược lại, có khi còn phản tác dụng.
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra, dư luận tại Mỹ rất quan tâm việc ông Trump sẽ nêu vấn đề Nga can thiệp vào cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016 ra sao.
Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã kết tội 12 quan chức quân đội Nga vì đã tấn công máy chủ của Đảng Dân chủ và các tổ chức khác liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chung, khi được hỏi về vấn đề này, ông Trump tiếp tục chỉ trích các cuộc điều tra của FBI và khẳng định vẫn chưa có kết luận về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng mình đã tiến hành tranh cử một cách minh bạch.
Ông Trump cũng cho rằng, cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 đã gây “ảnh hưởng tiêu cực” với quan hệ Nga - Mỹ và coi những gì diễn ra trong cuộc điều tra là nực cười và là một thảm họa. Bản thân ông cũng không trả lời câu hỏi liệu ông có tin tưởng về kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ đối với việc Nga can thiệp bầu cử hay không.
Không những vậy, ông Trump cũng lên tiếng đổ lỗi cho các chính quyền tiền nhiệm đã không tiến hành đối thoại, dẫn tới việc quan hệ Nga - Mỹ xấu đi nhiều trong thời gian trước khi ông lên nắm quyền.
Những gì ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo chung đi ngược lại quan điểm chống Nga của đại đa số giới chức Mỹ.
Nhiều thượng nghị sỹ Dân chủ đã ngay lập tức đăng đàn chỉ trích Tổng thống Trump và coi phần trả lời của ông là đáng buồn và đáng xấu hổ. Họ cho rằng đúng ra ông Trump nên đứng lên bảo vệ hệ thống tư pháp và người dân nước Mỹ thay vì Tổng thống Nga, người được coi là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ và cuộc bầu cử sắp tới.
Thậm chí cả một số thượng nghị sỹ Cộng hòa cũng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump và cho rằng ông đã đánh mất cơ hội để buộc tội Nga có trách nhiệm trong cuộc bầu cử năm 2016 cũng như cảnh báo Nga không được can thiệp các cuộc bầu cử khác tại Mỹ trong tương lai. Họ cũng cho rằng câu trả lời của ông Trump là dấu hiệu của sự yếu đuối và sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là góp phần giải quyết.
Câu trả lời của Tổng thống Trump rõ ràng đã đi ngược lại nhiều tiếng nói trong dư luận Mỹ vẫn đang thù địch với Nga và điều này sẽ làm ông mất điểm hơn là gây dựng lại hình ảnh trong công chúng Mỹ./.
Theo VOV