Thương hiệu Angimex, giá trị bền bỉ theo thời gian

23/01/2023 - 07:43

 - Trải qua năm 2022 đầy thăng trầm, những đổi mới trong bộ máy lãnh đạo và cơ cấu tổ chức đã giúp Angimex ngày càng hoàn thiện, mạnh mẽ hơn trong từng hoạt động sản xuất - kinh doanh và quản lý điều hành. Định hướng Kế hoạch kinh doanh năm 2023, Angimex tăng cường kinh doanh gạo, tập trung xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ gạo chất lượng cao mang lại lợi nhuận nhiều hơn, như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Đức bên cạnh các thị trường truyền thống: Philippines, Trung Quốc, Malaysia...

1.DẤU ẤN RIÊNG BIỆT HẠT GẠO ANGIMEX

Với lịch sử hình thành hơn 46 năm, Angimex tự hào với bề dày doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo luôn nằm trong tốp các DN xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước. Để mang đến những hạt gạo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, Angimex định hướng liên kết chặt chẽ với người nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu từ năm 2007 và không ngừng mở rộng diện tích cho đến nay.

Angimex luôn chú trọng cải tiến chất lượng sản phẩm, liên tục đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, kho tàng, nhà xưởng, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt ISO 9001, ISO 22000, HACCP… các yếu tố này tạo nên lợi thế cạnh tranh, ghi dấu ấn riêng của gạo Angimex.

2.TIẾP TỤC MỞ RỘNG VÙNG NGUYÊN LIỆU TIÊU CHUẨN CHÂU ÂU

Để xây dựng được vùng nguyên liệu, lúa nếp bền vững tại tỉnh An Giang, Angimex đã hợp tác cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở chiến lược do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Angimex đặt mục tiêu mở rộng diện tích liên kết canh tác sản xuất tăng lũy tiến qua từng năm.

Cụ thể, năm 2022 đạt 15.000ha, năm 2023 sẽ đạt 30.000ha, năm 2024 sẽ đạt 35.000ha và năm 2025 sẽ đạt 40.000ha. Angimex chú trọng vào chất lượng vùng nguyên liệu, lựa chọn các giống lúa mới, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Cũng trong năm 2022, Angimex đã cùng Syngenta thực hiện thành công mô hình “Sản xuất lúa chất lượng ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới). Nhờ vào bộ giải pháp kết hợp giữa Angimex và Syngenta, cây lúa được bón phân cân đối, quản lý sâu bệnh theo đúng quy trình nên sinh trưởng và phát triển tốt, giữ màu vàng chanh, hạn chế được sâu bệnh và chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của thời tiết vụ hè thu. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ phun thuốc bằng máy bay “drone” giúp nông dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ an toàn sức khỏe. Đồng thời, chính mô hình sản xuất ra sản phẩm lúa này sẽ đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản...

Từ hiệu quả thực tiễn đáng phấn khởi, mô hình đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, tạo động lực để Angimex và Syngenta tiếp tục liên kết, nhân rộng mô hình đến nông dân, tăng chất lượng nông sản.  

3.CHUNG TAY PHÁT TRIỂN NỀN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Để tăng tính cạnh tranh của hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế, bên cạnh việc mở rộng cánh đồng mẫu lớn, Angimex đã cùng Viện Lúa ĐBSCL thỏa thuận nghiên cứu các giống lúa theo tiêu chuẩn của Angimex, để phục vụ thị trường xuất khẩu cũng như nội địa. Những giống lúa nghiên cứu cần đạt đủ các tiêu chí cảm quan, như: Hạt gạo thon, dài, không bạc bụng. Mùi thơm, vị ngọt ngon. Dẻo cơm, sau khi nấu để nguội vẫn mềm cơm hoặc giống lúa theo hướng dinh dưỡng: Hàm lượng Amylose thấp cho người tiểu đường, cung cấp một số vitamine... Về phía Công ty Dasco (Công ty con của Angimex) đã gặt hái được những thành công đầu tiên. Cụ thể, trong lễ sơ kết tổ chức ngày 8/11/2022 tại Viện Lúa Cần Thơ, Angimex - Dasco đã cùng Viện Lúa ĐBSCL đánh giá hiệu quả hợp tác giống lúa OM và lập kế hoạch phát triển đường dài.

Với định hướng chiến lược phát triển sâu, rộng, tập trung vào chuỗi giá trị lúa gạo, Angimex sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng việc khai phá thêm các mảng sản xuất - kinh doanh mới sau gạo, như: Bột gạo, bánh gạo, các sản phẩm từ trấu… giúp tạo công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh, giải quyết được bài toán tận dụng phế phẩm trong quá trình chế biến, mang thêm giá trị gia tăng cho lúa gạo - sản phẩm chủ lực của địa phương.

4.MỪNG KỶ NIỆM 190 NĂM THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG

An Giang chuyển mình rất lớn trong những năm qua với diện mạo trẻ trung, hiện đại hơn song vẫn giữ trong mình truyền thống khai hoang, lập đất, canh tác nông nghiệp từ khi danh thần Nguyễn Văn Thoại mở dòng kênh Vĩnh Tế. An Giang vẫn vậy, là một tỉnh mạnh về nông nghiệp với cây lúa - con cá, song ngày càng hiện đại hóa hơn trong canh tác, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến để ngày càng gia tăng giá trị cho nền nông sản của địa phương.

Là một trong những lá cờ đầu của tỉnh An Giang trong kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo, Angimex hiểu được sự phát triển của tỉnh giữ vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Đồng hành cùng người dân An Giang và cả nước trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 hoành hành năm 2021, Angimex liên tục đóng góp cho bà con nhân dân, cơ quan, ban, ngành tỉnh và cả nước bằng các hành động thiết thực, với tổng trị giá hơn 6,2 tỷ đồng. Trong đó, có số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, hơn 270 tấn gạo, cùng máy thở chức năng cao, máy SpO2 cầm tay, xe cấp cứu, 1.000 bộ đồ bảo hộ, 10.000 khẩu trang N95 và 25.000 đôi găng tay y tế có bột. Đồng thời, Angimex cũng được trao tặng các danh hiệu tiêu biểu, như: DN đạt thành tích tốt trong tổ chức tiêu thụ và lưu thông nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 năm 2021, Danh hiệu DN có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang năm 2022, Danh hiệu DN vì người lao động năm 2022. Cùng với đó là nhiều giấy khen trong các hoạt động: Bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác Đoàn và phong trào thanh niên.