Tuy nhiên, đây là thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn trong khi không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng đủ tiêu chuẩn để có thể đáp ứng được. Vì vậy, từ ngày 8-10/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo và thăm Nhật Bản.
Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước hướng tới mục tiêu 60 tỷ USD năm 2020.
Đối tác hàng đầu
Từ các thương hiệu Nikon, Panasonic, Hitachi, Toshiba tới Honda, Daikin… cho thấy, số lượng doanh nghiệp và tập đoàn của Nhật Bản quan tâm tới Việt Nam đang ngày một nhiều hơn cùng quy mô ngày một rộng lớn mạnh. Không chỉ vậy, mối quan hệ về kinh tế giữa hai quốc gia đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn trên nhiều lĩnh vực.
Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 9/1973), Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Không những thế, từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (tháng 3/2014), quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2018 tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,82 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2017.
Không những thế, đây còn là một trong 4 thị trường mà kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mốc 10 tỷ USD là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã xuất siêu sang Nhật Bản 141 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian này chủ yếu là: dệt may đạt 537 triệu USD; phương tiện vận tải đạt 365,2 triệu USD; máy móc thiết bị gần 259 triệu USD…. Đáng chú ý, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư mới vào Việt Nam và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lũy kế tính đến đầu tháng 4/2018, Nhật Bản có 3.693 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 49,8 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực và là cơ sở để tin tưởng rằng đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong những năm tới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Để thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng suất lao động, giữ vững cam kết giữa các nhà đầu tư đồng thời, tận dụng tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như: nông nghiệp, du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vận tải, phân phối…
Tạo thêm lực đẩy
Là một trong những công ty tiên phong trong sản xuất và phân phối cà phê rang xay nguyên chất, Công ty trách nhiệm hữu hạn IDD Việt Nam mong muốn có thể phát triển một “hệ sinh thái càphê” rộng lớn để hành trình “từ nông trại đến ly càphê” được xuyên suốt, mang lại sản phẩm càphê nguyên chất thơm ngon tới mọi vùng miền.
Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm thành công, theo bà Nguyễn Thị Hương Trà, Trưởng phòng Xuất Nhập khẩu, Công ty trách nhiệm hữu hạn IDD Việt Nam, doanh nghiệp vẫn cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa về mặt thủ tục, công nhận chứng nhận chất lượng để đáp ứng về mặt pháp lý. Khi đó, sản phẩm càphê sẽ dễ dàng hơn khi xâm nhập thị trường châu Âu và nhất là Nhật Bản.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thời gian qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn đạt kết quả khả quan nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hiện có. Hơn nữa, đối với một số mặt hàng như nông sản và thực phẩm của Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức khi xuất khẩu vào những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU.
Cụ thể, theo ông Đỗ Kim Lang ngoài những khó khăn cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu. Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.
Do đó, với sự góp mặt của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) cùng với triển vọng kinh tế Nhật Bản tích cực, xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản được dự báo có nhiều điểm sáng trong năm 2018.
Các chuyên gia Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định, theo nội dung FTA Việt Nam-Nhật Bản, thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018.
Khi Hiệp định có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông-lâm-thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế.
Đổi lại, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần, xuống còn 7% vào năm 2018. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất.
Trong vòng 10 năm, theo thỏa thuận, Việt Nam và Nhật Bản cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Các chuyên gia Vụ Thị trường châu Á-châu Phi khuyến cáo, doanh nghiệp cần đầu tư phù hợp để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, cần tích cực thực hiện xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường Nhật Bản và tận dụng triệt để những thuận lợi các Hiệp định mang lại.
Tại buổi tiếp ông Nishikawa Koya, Cố vấn đặc biệt Nội các Nhật Bản mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và thể hiện vai trò dẫn dắt cũng sẽ như tạo động lực và tác động mạnh đến việc phê chuẩn Hiệp định tại các nước khác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có sự cải thiện nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ không chỉ về kinh tế, thương mại mà còn ở các lĩnh vực khác. Đặc biệt, khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết sẽ là lực đẩy tạo ra dòng chảy thương mại giữa các quốc gia và các đối tượng tham gia.
Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Nhật Bản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và triển khai hiệu quả Hiệp định VJEPA nhằm đạt mục tiêu 60 tỷ USD vào năm 2020.
Cùng với đó, hai bên nên tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông, thủy sản vào thị trường hai nước nhiều hơn. Ngoài ra, cần triển khai kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp đã được lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Riêng với các doanh nghiệp, việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là điều phải tính đến trước tiên. Đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nhật Bản và cũng là góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo VIETNAM+